Cây sứ cảnh
Không Chỉ Là Cây Cảnh

Tổng quan về thành phần trên cây sứ

10/10/2019 11:01:00 AM  

Muốn phân tích đầy đủ thành phần của 1 cây sứ, chúng ta phải cắt đôi theo chiều dọc của 1 cây sứ trồng hạt. Theo đó, chúng ta sẽ có các thành phần như sau:

1. RỄ CON (RỄ NHÁNH)

Là rễ nhỏ li ti ở đầu rễ to, ăn rất xa ngoài cùng. Thường màu trắng ngoài đầu có rất nhiều lông tơ mịn, để hút dưỡng chất nuôi cây sứ.

Rễ con hay chui ra ngoài lỗ thoát nước hay các kẽ chậu trồng, lâu ngày to lên làm bít lỗ thoát nước, cây sứ sẽ bị úng nước và thối chết. Vì vậy người trồng sứ phải lấy đá nhỏ lót dưới đáy chậu, không cho rễ con chui ra ngoài. Lâu ngày phải xem lỗ thoát nước có bị nghẹt không, trường hợp rễ chui ra ngoài lỗ thoát nước, cần cắt bỏ, bôi sơn rồi đẩy vô trong lại.

Ngoài ra, khi trồng lâu, rễ con sẽ phát triển thành 1 “nùi” rễ, hút hết chất dinh dưỡng sẽ làm rễ cái thiếu dinh dưỡng, phát triển chậm. Do đó, rễ con cũng cần được “dọn” lại, cắt tỉa thường xuyên.

Tuy rễ con nhỏ nhưng lại là thành phần quan trọng, mang vô số mao mạch li ti để hút phân, hút dưỡng chất nuôi cây sứ.

2. RỄ CÁI

Là đoạn rễ mọc ra trực tiếp từ thân cây, điểm tiếp giáp giữa rễ cái và thân là đoạn vòng eo (cổ rễ). Rễ cái là phần rễ lớn nhất do mọc ra trước tiên khi cây sứ hình thành bộ rễ. Rễ cái phải lớn, phải mạnh để có thể giữ cho cây sứ bám đất, không bị ngã, đổ khi gió lớn.

Cây sứ trồng trực tiếp xuống đất thường rễ cái bò đi xa, nên hay chĩa ra chung quanh, cho nên người trồng sứ thường trồng cây vào chậu, để bộ rễ không bò đi xa được, mà nổi lên chung quanh gốc rất đẹp. Khi cây sứ trồng chậu lâu ngày, rễ cái phình to, trồi lên mặt đất và mang các hình thù rất bắt mắt.

Hơn nữa, trồng chậu giúp kiểm soát nguồn dinh dưỡng cho cây sứ tốt hơn. Cây sứ trồng dưới đất ít ra hoa hơn vì thiếu dinh dưỡng.

tong-quan-ve-thanh-phan-tren-cay-su.png

3. CỦ CÂY SỨ

Chỉ có cây sứ trồng từ hạt mới có “củ” (caudex), là phần tiếp giáp giữa thân cây sứ và bộ rễ.

Cây sứ chiết cành hay giâm cành trồng thì không có củ, chỉ có thân đứng thẳng, dưới cũng có 1 đường co, rồi đến rễ cái mọc thẳng ra trực tiếp từ thân, từ nhánh sứ đã trồng trước khia. Trồng lâu năm bộ rễ cái này cũng rất to và đẹp.

Bên trong củ cây sứ chứa toàn mô giữ nước và 1 loại nhựa đục như sữa gọi là Latex, chất nhựa này rất đắng. Các mô giữ nước chứa rất nhiều chất nước, dự trữ để cho cây sống qua mùa khô. Vì vậy khi trồng, nếu quên tưới nước hoặc tưới ít làm cây thiếu nước, phải lấy nước dự trữ ra dùng. Do đóthân cây mất nước sẽ bị nhăn nheo, khi tưới đủ nước thì mập mạp trở lại, no tròn mới đẹp.

4. THÂN

Là phần mọc lên từ đoạn cổ rễ tiếp giáp với củ hoặc bộ rễ. Là phần “xương sống” cho cây sứ. Thân cây còn nhỏ màu xanh nhưng khi lớn sẽ có màu xám mốc.

Thân cây có dạng thân gỗ gồm nhiều khoanh, bên trong là mô gỗ cứng và bên ngoài là khoanh mang mủ, khi cắt ngang thấy xuất hiện 1 lớp keo trong, dần chuyển màu sang đục trắng sữa. Thân mang nhiều cành làm nền cho bộ tàn của cây.

Khi muốn cây sứ ra nhiều cành, nhánh và để có bộ tàn sum xuê thì thân cây thường được cắt ngang sát với gốc. Đặc biệt với cây sứ hạt, cành – nhánh ít đâm ra từ thân cây nên nếu không cắt ngang thân thì thân sẽ vươn cao lêu nghêu dễ ngã đổ.

Nhưng nếu cây sứ hạt được cắt sát thân thì khi lớn lên, nhiều cành mọc mạnh tua tủa ra từ cổ rễ sẽ khiến phần thân dường như biến mất, chỉ còn củ và 1 ngụm cành khiến cây mất cân đối về hình dáng.

5. CÀNH, NHÁNH

Nhánh sứ là phần mọc ra từ thân cây, màu xanh sáng hơn màu thân vì “non” hơn. Nhánh mang lá mọc so le. Nhánh tạo nên cấu trúc chung của bộ tán. Cây sứ đẹp 1 phần do các nhánh mọc đều nhau tạo nên sự hài hòa chung.

Đối với các cây sứ đã lớn, nhánh cũng lớn nên cần được cắt nhánh để tạo nhánh mới mọc ra từ chỗ cắt, tạo cho cây sum xuê. Giữa chùm lá của mỗi nhánh đều ra 1 chùm hoa, từ 5 – 10 chiếc. cho nên cây nở càng có nhiều nhánh thì cũng có nhiều hoa. Điều này đúng với câu nói của 1 nghệ nhân đã viết trong báo Hoa Cảnh: “Đa tử đa tôn đa phú quí”.

Nhánh cũng cần được chú ý chăm sóc vì chúng ta thường ghép các giống mới lên nhánh sứ và ít khi ghép trực tiếp lên thân.

Nếu quan tâm đến việc ghép cây sứ, bạn có thể tham khảo các bài viết sau:

5. LÁ

Lá sứ dày, mọng nước thường có màu xanh bóng mọc ở đầu cành. Với nhiều giống sứ mới hiện nay thì lá cũng khá phong phú về kiểu dáng. Lá có thể trơn, láng hoặc lông tơ mịn; màu từ xanh đến nâu, đỏ; đuôi lá có chóp nhọn có gai nhỏ hoặc bằng hoặc lõm vào trong. Màu của đỉnh nhọn nơi ngọn lá sẽ cho ta biết khá chính xác màu của hoa.

Ví dụ, cây có đọt màu nâu đỏ sẽ trổ hoa màu đỏ; cây có đọt màu tím sẽ ra hoa tím; cây có đọt màu xanh sẽ ra hoa màu hồng; đọt lá màu trắng sáng, thế nào cũng trổ hoa màu trắng.

Mặc dù sự tương quan này không mang tính tuyệt đối, nhưng trong đa số trường hợp nhìn vào lá vẫn sẽ giúp ta chọn được sắc hoa mà mình thích.

Giữa trục chính của lá có 1 đường gân chính mang các gân phụ chạy dọc ngang lá. Gân có thể chìm hoặc nổi bật hẳn lên. Vì sứ là loài cây mang tính sa mạc nên lá già rụng đi nên phần cành sứ già trụi lá và chỉ còn lá mọc ở đầu cành. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, lá sứ rụng không phải do “tuổi tác”, mà khi ấy cây sứ đã có dấu hiệu bị bệnh. Để biết rõ chi tiết, bạn có thể xem chi tiết cách “đoán” bệnh cây sứ thông qua lá TẠI ĐÂY.

6. ĐỌT

Đọt là phần ngọn của nhánh mang chùm hoa, màu xanh hoặc đỏ, nâu,… tùy giống. Màu đọt gần giống với màu hoa.

7. HOA (CÁNH HOA, HỌNG HOA, NHỤY HOA)

Hoa là yếu tố quan trọng của bất kì cây sứ nào, có nhiều màu khác nhau: đỏ, trắng, hồng, tím, vàng,… hoặc trắng hồng, đỏ đen,…. rất đa dạng.

Hoa nở theo từng chùm, mỗi chùm hoa cứ từ 5 – 10 hoa, những giống siêng hoa có thể có tới hơn 20 hoa mỗi chùm và nở dần cả hơn tháng mới hết.

-          Cánh hoa: Hoa sứ đa phần có 5 cánh xòe to, cũng có hoa 4 hoặc 6, 7, 8 cánh nhưng chỉ đột biến. Có giống hoa có 2 tầng cánh, lớp ngoài lớn hơn, lớp trong cánh nhỏ hơn.

-          Họng hoa: Thường hình tròn nằm đầu ống phuễ của hoa ngay dưới cánh hoa, nơi các cánh hoa chụm lại thành 1 khối. Họng thường có màu vàng, đỏ, trắng, cam, xanh. Hoa trắng thường có họng vàng, xanh; hoa đỏ có họng đỏ, vàng; hoa tím có họng màu tím.

-          Nhụy hoa: Là cơ quan sinh sản của hoa (hữu tính), có nhụy đực và nhụy cái. Trong ống hoa có 5 cọng nhụy hoa dài mọc ra bên ngoài. Sự dài ngắn của nhụy cũng tùy thuộc vào từng giống nên khả năng giao phấn giữa các giống cũng khác nhau.

Để có thể thụ phấn cho cây sứ, bạn có thể tham khảo bài hướng dẫn chi tiết: Kỹ thuật thụ phấn cây Sứ và những lưu ý khi tiến hành lai tạo

8. TRÁI

Sau khi hoa sứ được thụ phấn (do điều kiện tự nhiên hoặc tác động của con người), nơi cuống hoa phần bầu nõa sẽ phình to thành trái. Trái thường mọc thành cặp có đôi như trái đậu đũa, trái mai chiếu thủy nhưng cũng có trái mọc thành 3 nhánh). Màu da của trái cũng tùy thuộc vào màu hoa, hoa trắng thì trái xanh, hoa đỏ trái đỏ pha nâu xanh,…

tong-quan-ve-thanh-phan-tren-cay-su-1.png

9. HẠT

Trong 1 cặp trái có từ hơn 100 – 150 hạt. có những cây sứ sung mạnh, cặp trái lớn có thể cho vài trăm hạt. Hai đầu hạt có 2 chùm lông mịn giúp hạt phát tán đi xa khi trái chín, bung. Hạt có kích thước như hạt lúa và cũng to, nhỏ, thuôn dài hoặc mập tùy giống.

Sau khi thu hoạch hạt, chúng ta có thể tiến hành ươm hạt cho cây sứ. Vấn đề này đã được caysucanh.com chia sẻ TẠI ĐÂY.

tong-quan-ve-thanh-phan-tren-cay-su-2.png

Tổng hợp

 

Tin tức nổi bật