Cây sứ cảnh
Không Chỉ Là Cây Cảnh

Một số thuật ngữ cần nắm cho người mới chơi sứ

8/29/2019 2:09:00 PM  

Trước khi “dấn thân” vào xứ sở Sứ ngàn hoa, thì điều đầu tiên mà người chơi cần biết đó chính là những thuật ngữ trong ngành sứ. Biết được thuật ngữ, bạn mới có thể áp dụng được những kiến thức mà người khác chia sẻ, và truyền đạt lại kiến thức của mình cho người sau hiểu rõ hơn.

Do đó, trong bài viết lần này mình xin được chia sẻ đến những bạn mới chơi sứ vài thuật ngữ phổ biến trong ngành. Bài viết được sưu tầm và tổng hợp từ nhiều nguồn. Trong đó có một số ý kiến của những bạn chơi sứ khác mà mình thấy đồng thuận nên đã mang vào bài viết này. Với hy vọng đóng góp chút ý kiến đến những bạn chơi sứ gần xa.

BO SỨ (BO GHÉP)

Là một đoạn được lấy từ 1 nhánh sứ có điểm nổi trội về nhiều mặt (như có hoa đẹp, không sâu bệnh, bo mạnh,… ) được chọn để nhân giống ra nhiều thế hệ mới. Những bo sứ này sẽ được cắt ra từng đoạn nhỏ để ghép lên 1 cây sứ khác.

SỨ NGUYÊN LIỆU

Thường là những cây sứ bình thường được gieo từ hạt. Những cây sứ này được dùng chủ yếu để làm gốc ghép để ghép các bo sứ nhằm tạo ra một cây sứ mới. Hoặc đôi khi sứ nguyên liệu cũng được lấy từ các cành nhánh được giâm lâu năm.

Bạn có thể xem chi tiết cách giâm cành cây sứ TẠI ĐÂY

CÂY SỨ MOTHER

Đây cũng là một trong những thuật ngữ còn khá mơ hồ với người mới chơi sứ. Có thể, khái niệm bạn được nghe nhiều nhất về thuật ngữ này là: Đây thường là sản phẩm được các nhà vườn thụ phấn chéo rồi mang gieo trồng. Những mặt hoa tốt, đẹp đạt tiêu chí sẽ được giữ lại rồi cắt ghép bán ra thị trường với 1 cái tên mới do nhà vườn tự đặt.

Tuy nhiên, theo cách giải thích trên thì có chăng những cây được gieo trồng cho ra mặt hoa tốt thì đều được gọi là MOTHER? Rõ ràng là cây hạt/cây con thì làm sao có thể gọi là cây Mother được?! Chúng tôi không đồng tình với chia sẻ này. Do đó, xin được trích dẫn một ý kiến về thuật ngữ cây Mother mà được nhiều người đồng thuận như sau:

Từ mother, tiếng Anh có nghĩa là mẹ, vậy cây sứ mother nên được hiểu là cây sứ mẹ. Tức là cây sứ gốc, được trồng từ hạt, đẹp, được đặt tên, sau đó người ta lấy bo của nó ghép cho nhiều cây khác. Cây sứ mother của các giống đẹp rất quan trọng, vì nó duy trì nguồn gen gốc, để giả sử các cây ghép được cắt bo ghép qua nhiều thế hệ bị thoái hóa giống, ta có thể lấy bo chuẩn từ cây mẹ - là cây không ghép nên có bộ gen không thay đổi.

Tuy nhiên thời gian gần đây có nhiều người chơi sứ gọi các cây được trồng từ hạt nhưng chưa được ghép test, đặt tên và nhân giống là “cây mother”. Cá nhân mình thấy dùng từ này là chưa chính xác, vì nó là mẹ thì là mẹ của giống nào? Theo mình, chỉ nên gọi nó là cây sứ hạt.

Rất nhiều người có ý kiến cho rằng, cây hạt cũng có khả năng làm mẹ, và chúng cũng có thể được gọi là mother. Nhưng xin lưu ý rằng, cây morther phải là cây gốc và mang gen ổn định. Nó sẽ khác với việc một cây hạt được lai tạo và gọi là cây mother. Bởi cây hạt này chưa ổn định. Nó chỉ là cây mother khi xuất hiện cây con của chính nó.

Chúng ta cũng có thể hiểu đơn giản như sau: Cây nào đưa giống ra thị trường có tên tuổi thì gọi mother, còn cây gieo từ hạt chưa ghép, chưa nhân giống, chưa tên thì gọi là sứ hạt.

SỨ VE CHAI

Nhìn chung là tất cả những cây sứ không còn giá trị với nhà vườn nữa. Có thể là những cây sứ xấu, hoặc cây nuôi hoài không phát triển được nữa.

SỨ NGUỘI

Là những cây sứ nguyên liệu được ghép nhưng gặp vấn đề (có thể là bo ghép không hạp với gốc ghép). Thông thường những cây sứ này sẽ được cắt bỏ bo ghép và ghép lại bo mới, nhưng điều này cũng làm ảnh hưởng đến sức sinh trưởng của cây. Nếu muốn cây có sức sinh trưởng tốt hơn thì tốt nhất là cây sứ nguyên liệu này cần được nuôi dưỡng thêm 1 thời gian dài cho cây khỏe trở lại rồi mới ghép bo mới vào.

SỨ ĐỜI F1, F2, Fn,…

Trên thị trường thường dùng thuật ngữ F1, F2, Fn,… để phân biệt về đời ghép của giống sứ. Trên cơ bản, các đời ghép càng về sau thì càng có dấu hiệu của sự thoái hóa (hoa không đạt yêu cầu, màu sắc như ban đầu, lá không còn ổn  định,… ). Do đó các nhà vườn thường ưu tiên giữ lại những cây sứ ghép có đời F1 hoặc tối đa là F2.

Tuy nhiên, đó là thuật ngữ quen thuộc mà thị trường quen dùng. Chúng tôi thiết nghĩ thuật ngữ trên là chưa chính xác. Qua tham khảo từ những người chơi khác về nhiều thuật ngữ, chúng tôi đồng thuận với cách gọi thuật ngữ các đời sứ ghép nên là G. Cụ thể, chúng tôi xin được dẫn ngắn gọn bài phân tích của tác giả Nguyễn Khương Duy như sau:

Theo quan điểm di truyền các thuật ngữ sử dụng như sau

P= parents

F1= first filial generation

F2 là thế hệ con của f1

PxP=F1

F1xF1=F2

=> Lai để tạo ra tính trạng mới, kiểu hình mới do tích hợp kiểu gen (bỏ qua đột biến môi trường 5-10%)

Con lai có thể giống hoặc khác bố mẹ

Áp dụng thuật ngữ F cho số lần ghép có đúng hay không? khi bản chất của nó là nhân vô tính kiểu gen không đổi các cây ghép có bộ máy Thông tin di truyền là giống hoàn toàn với cây giống (M) (cây cho bo)

Và việc luân phiên ghép nhiều lần từ việc cắt thân cây giống (M) hay cắt thân cây ghép lần 1 thì bản chất của nó vẫn là bo của (M).

Tóm lại, việc ghép không tạo ra hoặc tổ hợp lại Thông tin di truyền mới

Do vậy các vườn sứ nước ngoài họ ko dùng thuật ngữ F cho cây ghép vì họ quan niệm ghép là ghép (Graft) và lai là lai (hybrid)!

Vậy, để chỉ các đời ghép thì chúng ta có nên dùng G1, G2, Gn,… (Graft – ghép) thay cho F1, F2, Fn,… có phải hợp lý hơn không?!

SỨ ĐỘT BIẾN

Đây là những cây (có thể) do nuôi trồng không đúng kĩ thuật, bón phân không đúng cách nên phát sinh ra nhiều hoa rất kì lạ, nhưng có khi lại rất đẹp.

SỨ CÁNH ĐƠN, CÁNH KÉP

Sứ cánh đơn là sứ có 5 cánh – 1 lớp, còn sứ cánh kép thì có 2 lớp trở lên (tức ít nhất là 10 cánh/1 hoa).

SỨ ZIN (Original Plant):

Là cây sứ được nhân giống bằng cách giâm cành (chiết cành). Toàn bộ cây từ gốc đến ngọn đều mang "tính chất" của loại sứ đó.

Trên đây là một số thuật ngữ mà mình tổng hợp được. Chắc chắn là vẫn còn thiếu sót nên rất mong bạn bè gần xa có thể đóng góp qua Fanpage Hoa Sứ Việt để mình có thể hoàn thiện bài viết này hơn. Xin cảm ơn mọi người.

Ps: Bài viết này được biên soạn trong lúc mình đang đi công tác nên không có ảnh minh họa trực tiếp tại Vườn. Mình sẽ cố gắng cập nhật hình ảnh đầy đủ trong thời gian sớm nhất.

 

Tin tức nổi bật