Cây sứ cảnh
Không Chỉ Là Cây Cảnh

Hướng dẫn cách chiết cành cây sứ đạt tỉ lệ thành công cao

6/13/2019 8:37:00 AM  

Thông thường, khi muốn nhân giống những cây sứ mà người trồng yêu thích, người ta sẽ chọn cách chiết cành cây sứ. Bởi cách này sẽ cho tỉ lệ thành công cao hơn so với việc giâm cành.

Nếu làm đúng kỹ thuật, thậm chí tỉ lệ thành công có thể lên đến trên 90%. Bởi khi chiết, cành chiết vẫn được nuôi dưỡng bởi cây sứ mẹ, thời gian cho rễ nhanh hơn và cây cũng sẽ khỏe hơn.

Huong-dan-cach-chiet-canh-cay-su-dat-ti-le-thanh-cong-cao-3.png

Việc thực hiện chiết cành cũng không phức tạp, chúng ta chỉ cần:

Chuẩn bị

1. Dụng cụ:

- Dao bén: cần được làm sạch trước đó

- Bao nylon trong: để dễ quan sát quá trình phát triển của bộ rễ

- Dây buộc. Có thể sử dụng dây rút để thao tác bó bầu đất tiện lợi và nhanh chóng hơn.

2. Chất trồng:

Rễ lục bình (rửa sạch đất bùn và phơi khô), xơ dừa, tro trấu, một ít đất

Rễ lục bình là loại luôn được sử dụng cho việc tách, chiết cành trong nhiều loại cây khác nhau và cũng cho kết quả tốt đối với cây sứ.

Tuy nhiên nếu không có sẵn những nguyên liệu làm chất trồng như trên thì bạn có thể thay thế bằng xơ dừa, trấu sống (càng mục càng tốt). Chất trồng cần được đảm bảo vừa đủ ẩm, không nên cho quá nhiều nước vào chất trồng.

Thực hiện cách chiết cành cây sứ

Chọn cành sứ để chiết có độ dài trên 25 cm và là cành bánh tẻ, phân nhánh tốt hơn cành đơn vì sau này cây sứ lớn lên sẽ có sẵn bộ cành, tán.

Trong trường hợp chiết cành từ cây sứ ghép thì vị trí chiết nên cắt cách xa mắt ghép.

Vị trí được chọn để chiết trên cành sứ phải trơn láng, phát triển tốt và không có dấu hiệu sâu bệnh. Ta dùng dao bén và:

-          Xẻ mỏ vịt tức cắt xéo từ dưới lên 45 độ. Cắt 1 đường sâu khoảng 2/3 cành chiết. Chỉ chừa lại 1/3 phần cành chiết với cành của cây mẹ. Đây sẽ là nơi để cây mẹ có thể tiếp tục nuôi cành chiết. Sau đó dùng 1 miếng nhựa sạch (hoặc vật dẹp tương tự) đặt vào vết cắt để tránh vết cắt khép lại.

Đây là cách mà Cây Sứ Cảnh thường áp dụng. Có một lưu ý nhỏ là phần cắt nên nằm phía dưới chiều nghiêng của nhánh sứ để tránh làm tét nhánh.

HOẶC

-          Khấc vỏ (bóc khoanh vỏ) của cây sứ với chiều dài khoanh vỏ được khấc khoảng 4cm, lấy đi lớp vỏ ngoài mềm của thân sứ và để lộ phần lõi trắng cứng.

Rồi cần chống đỡ cho cành sứ muốn chiết này bằng dây, cây chống vì giữa cành chiết và thân mẹ chỉ còn rất ít sự liên kết.

Để khô phần bị cắt, bị bóc vỏ này trong khoảng 1 tuần. Sau đó dùng hỗn hợp chất trồng như đã chuẩn bị ở trên để bó xung quanh vết cắt, tạo thành 1 bầu đất, bó chặt và kín vết cắt. Sau đó dùng bao nylon bó chặt bầu đất và dùng dây cột chặt 2 đầu bao nylon để giữ bầu đất chặt và giữ ẩm.

Bao nylon trong sẽ giúp ta theo dõi được quá trình ra rễ tại vết cắt cũng như xem vết cắt có bị nhiễm trùng và hư thối hay không.

Tại vết cắt sẽ ra rễ từ từ, ban đầu là rễ cám màu trắng và sau khoảng 1 – 2 tháng rễ sẽ phát triển mạnh hơn dần chuyển sang màu nâu. Khi thấy rễ chuyển sang màu nâu là lúc cây đã đủ lực, dùng dao bén cắt dưới mép bầu đất, bôi vôi (sơn) vào vết cắt và đem trồng.

Huong-dan-cach-chiet-canh-cay-su-dat-ti-le-thanh-cong-cao-1.png

Cách chăm sóc cây sứ sau khi được chiết cành

Cây sứ mới cắt xuống có bộ rễ còn nhỏ và không nhiều, khi đem trồng cần được chống, đỡ bằng que cắm giúp cây đứng thẳng và không lung lay khi mưa to, gió lớn hoặc bị động rễ, đứt rễ.

Cây sứ cần được trồng nơi ít mưa, tưới nước vừa phải chỉ đủ giữ ẩm. Sau khi bộ rễ đã phát triển tốt mới áp dụng các biện pháp nuôi trồng bình thường.

Cần tránh nước mưa hoặc nước tưới lọt vào bầu đất. Vì vậy trong quá trình thực hiện, bầu đất nên được bó chặt.

Thời gian ra rễ của mỗi cây là khác nhau, và cùng tùy vào độ mạnh yếu của cây mẹ. Do đó, dùng bao nylon trắng sẽ giúp quan sát quá trình ra rễ thuận tiện hơn. Khi thấy rễ chuyển sang nâu là cây đã đủ sức để trồng riêng.

Cây sứ sẽ ra hoa sau 2 tháng miễn đọt lá ra mạnh. Cung cấp cho cây sứ phân bón, dưỡng lá như Humix, Komix,… để cây ra nhiều cành, lá.

Huong-dan-cach-chiet-canh-cay-su-dat-ti-le-thanh-cong-cao-4.png

 

Tin tức nổi bật