Cây sứ cảnh
Không Chỉ Là Cây Cảnh

Cách ươm hạt cây sứ và cách chăm sóc cây con sau khi ươm

5/16/2019 2:47:00 PM  

Tuy mất khá nhiều thời gian, nhưng những người chơi sứ thường rất thích áp dụng cách ươm hạt cây sứ. Bằng cách này, họ có thể chủ động tạo được những bộ rễ đẹp và có giá trị. Ngoài ra, còn 1 thú vui khác khi trồng sứ bằng hạt đó là 1 khi cây đã chịu ra hoa “bói” rồi thì cây sẽ ra hoa liên tục. Điều này có chăng sẽ giúp khu vườn nhà bạn sẽ luôn ngập tràn trong sắc hoa Sứ?!

Cach-uom-hat-cay-su-va-cach-cham-soc-cay-con-dung-thoi-diem.jpg

Ở bài trước, chúng ta đã tìm hiểu qua cách thụ phấn cây sứ. Thông thường, trái sẽ chín từ lúc thụ phấn tới lúc thu hoạch khoảng 75 ngày vào mùa hè và khoảng 95 ngày vào mùa đông, trái của cây hoa màu trắng mau chính hơn cây hoa màu đỏ.

Làm sao để biết được trái của cây sứ sẽ cho hoa màu gì? Điều này không chính xác 100%, nhưng 1 cách tương đối thì người ta thường đoán sắc hoa qua màu sắc và hình dáng của trái sứ. Các giống sứ có màu đỏ thì cho trái thon, dài, vỏ có màu hơi nâu đỏ. Các giống sứ có màu trắng, sáng thì trái ngắn hơn, vỏ có màu xanh. Còn những giống sứ hoa sọc thì cho trái ngắn, mập.

Trái sứ khi sắp thu hoạch sẽ ngả sang màu nâu sậm, khe dọc thân trái có dấu hiệu nứt ra. Lúc này nhà vườn cần dùng dây quấn quanh trái hoặc dùng bao nylon trùm trái lại. Như vậy khi trái chín bung ra hạt sẽ không bị bay đi hoặc bị ảnh hưởng bởi côn trùng.

Hạt sứ có 2 chùm lông tơ ở hai đầu, trong tự nhiên chùm lông này sẽ giúp hạt sứ có thể phát tán được. Do đó, khi thu hoạch ta cần rứt bỏ 2 chùm lông này đi.

Xử lý hạt sứ trước khi mang đi gieo trồng

Giống như hạt lúa, hạt sứ cũng có hạt tốt hạt lép, hạt lép cần bỏ đi. Nếu chưa muốn ươm ngay, các nhà vườn nước ngoài thường giữ hạt trong tủ lạnh ở nhiệt độ vừa để trữ hạt. Ở nước ta, nếu nguồn hạt dồi dào và không ươm hết thì cần phơi hạt thật khô rồi gói trong bọc giấy.

Nhưng theo Cây Sứ Cảnh, dù có bảo quản nhưng cũng không nên để quá lâu sau khi thu hoạch. Vì nó sẽ làm giảm tỉ lệ nảy mầm và sức sinh trưởng của cây con sau này. Hạt đem phơi tầm 2, 3 nắng là có thể đem ươm.

Gieo hạt

Trước khi gieo, chúng ta cần chuẩn bị:

-          Chuẩn bị đất để gieo hạt

Tùy kinh nghiệm của mỗi nhà vườn mà sẽ có tỉ lệ chuẩn bị chất trồng khác nhau. Miễn sao đất phải đảm bảo được độ thoáng và xốp. Có nhà vườn chỉ sử dụng phân làm đất ươm, có nơi sẽ trộn theo tỉ lệ 60% tro trấu, 20% phân chuồng nhuyễn, 20% xơ dừa. Vì vấn đề chất trồng đến nay vẫn còn khá nhiều ý kiến khác nhau, nên Cây Sứ Cảnh xin dành thời gian để biên soạn 1 bài riêng về chất trồng, trong đó cũng sẽ giới thiệu chất trồng tại vườn để mọi người cùng tham khảo.

-          Ngâm hạt sứ

Hạt sứ cần được ngâm vào nước ấm ở nhiệt độ 40 – 50 độ C khoảng 1 tiếng 30 phút trước khi gieo. Hoặc ngâm ở nước lạnh khoảng 4 tiếng. Muốn hạt mau nảy mầm thì bạn có thể pha chất kích thích ra rễ vào nước.

Nên gieo hạt sứ vào trong khay có nhiều lỗ. Vì khi cần đem cây ra trồng riêng, loại khay này sẽ giúp chúng ta dễ dàng rút nguyên cây có bầu đất đem trồng mà không làm ảnh hưởng đến rễ của cây so với cách ươm hạt cây sứ trong khay không có lỗ riêng.

Khay ươm có độ sâu khoảng 7cm là tốt. Cho đất ươm vào, san bằng rồi gieo hột lên lớp đất đó. Việc gieo hột không nên gieo xuống đất quá sâu, chỉ sâu độ vài phân là vừa. Đặt cho hột nằm ngay rồi sau đó phủ lên hột một lớp tro trấu mỏng và phun sương cho đất ẩm.

Sau khoảng 7 ngày (hoặc chưa tới) hột sẽ lên mầm và mọc vượt khỏi lớp trấu mỏng.

Cach-uom-hat-cay-su-va-cach-cham-soc-cay-con-dung-thoi-diem-1.jpg

Cách chăm sóc cho hạt vừa ươm

Khu vực ươm hạt nên được che bằng mái nylon hoặc có kính hoặc để ở nơi ít mưa để ngăn đất trồng bị xói.

Mỗi ngày tưới nước phun sương cho khay ươm 1 - 2 lần/ngày vào buổi sáng và /hoặc chiều. Thời điểm này cây sứ mới nảy mầm cần nhiều nước và môi trường ẩm. Nhưng cũng không được để úng, chú ý nhổ cỏ quanh các cây con.

Chỉ khi cây con lên được vài ba lá mới bón thúc phân đạm để “hà hơi tiếp sức” cho cây tăng trưởng mau.

Cách chăm sóc cây con sau 2 tháng tuổi

Sau khi cây con được 2 tháng tuổi thì có thể đưa cây ra khỏi khay ươm và đem trồng riêng. Cây còn non không nên đem trồng sớm. Có thể xem màu sắc thân cây con để xác định thời điểm cho cây “ra riêng”: thân còn màu xanh thì cây còn non; thân chuyển sang nâu xám là cây đã cứng.

Lưu ý là không trồng ra chậu ngay, mà phải trồng từ chậu nhỏ, rồi tăng dần kích thước của chậu theo kích thước của cây. Tốt nhất là đợi đến khi nào rễ gần chiếm hết chậu thì sẽ thay tiếp chậu có kích thước to hơn chậu cũ 3 – 6 cm. Với cách làm này chúng ta có thể kiểm soát bộ rễ của cây sứ tốt hơn.

Ở giai đoạn này, cây con sẽ phát triển tốt nếu ta phun thêm phân NPK tỉ lệ: 30 – 10 – 10 cách 2 tuần/lần.

Cach-uom-hat-cay-su-va-cach-cham-soc-cay-con-dung-thoi-diem-2.jpg

Các vấn đề của cây sứ con khi mới gieo hột

Bình thường cây sứ hột còn non ít bị bệnh vì cũ chưa trữ nhiều nước. Tuy nhiên, cây vẫn có thể gặp phải 1 số trường hợp sau:

-          Cây bị thối rễ vì đất trồng không thoát nước tốt.

-          Cây úng thân

-          Cây bị sâu ăn

Cach-uom-hat-cay-su-va-cach-cham-soc-cay-con-dung-thoi-diem-3.jpg

Tất cả các nguyên nhân trên đều chấp nhận được nếu tỉ lệ cây chết ít, sâu xanh có thể phun thuốc.

Video về cách ươm hạt cây sứ

Xem thêm:

Kỹ thuật thụ phấn cây Sứ và những lưu ý khi tiến hành lai tạo

Tin tức nổi bật