Cây sứ cảnh
Không Chỉ Là Cây Cảnh

Hướng dẫn cách ghép cây sứ và chọn bo: Ghép chữ V

5/31/2019 4:13:00 PM  

Sứ là loại cây mọng nước, vỏ cây có mạch nhựa nên vết ghép sẽ rất mau liền sẹo và có tỉ lệ sống cao. Để ghép cây sứ, người ta thường áp dụng những phương pháp: ghép chữ V, ghép ngồi, ghép áp,… Trong chuỗi bài viết về hướng dẫn cách ghép cây sứ, Cây Sứ Cảnh sẽ lần lượt trình bày từng phương pháp ghép.

Thời điểm ghép sứ

Thời điểm để ghép cây sứ thích hợp nhất là vào mùa khô. Thông thường nên thực hiện trước hoặc sau tết, vì đây là thời điểm mà cây sứ phát triển mạnh nhất trong năm.

Không nên ghép cây vào lúc trời mưa. Nếu bắt buộc phải ghép vào lúc này thì phải che mưa, rồi dùng giẻ lau thật khô chỗ ghép rồi mới tiến hành ghép.

Huong-dan-cach-ghep-cay-su-va-chon-bo-ghep-chu-v-1.jpg

Chuẩn bị

Gốc ghép: Là cây sứ được dùng để ghép. Nó có thể là cây nguyên liệu có những đặc tính về hoa không được đẹp; hoặc là cây sứ đã được ghép, nhưng có bộ rễ đẹp và người chơi muốn thay đổi màu hoa mới. Gốc ghép yêu cầu phải đang phát triển tốt, da có màu xanh ngả xám. Gốc ghép nên được chọn từ cây không nhiễm bệnh.

Túi nilon có kích thước là 7×10 cm.

Dây thun/dây quấn

Dao cắt sắc nhọn hoặc lưỡi lam.

Bông gòn hoặc khăn sạch.

Cách chọn bo ghép

Bo ghép được chọn phải phù hợp với gốc ghép. Giả dụ gốc ghép phát triển mạnh, bo ghép yếu sẽ xảy ra tình trạng mắt ghép bị đùn trông rất xấu. Ngược lại, bo ghép mạnh, gốc ghép yếu thì lại không đủ sức để nuôi bo ghép. Vậy dựa vào đâu để có thể chọn 1 bo ghép tốt?

Bo ghép tốt nên có màu xanh hơi ngả sang xám, nhưng không được quá già. Ngược lại, bo ghép có góc nhỏ hoặc quá già thì cây lúc này không còn sung nữa.

Ngoài ra, còn 1 đặc điểm ở lá mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đó chính là cây có lá nhỏ, mắt lá dày thường là những cây có sự phát triển chậm.

Người mới tập chơi thì có thể dùng bo ghép có màu ngả xám sẽ cho tỉ lệ thành công cao hơn. Với những người ghép thuần thục, thường thích dùng bo ghép vẫn còn màu xanh, vì sau này bo ghép sẽ phát triển mạnh.

Cách ghép cây sứ đẹp và phổ biến nhất hiện nay: Ghép chữ V

Ghép chữ V hay còn gọi là Ghép vạt nêm. Đây là phương pháp phổ biến nhất và có tỉ lệ sống cao nhất

Bước 1: Trước tiên, cắt ngang thân của cành ta muốn ghép bằng dao lam bén, cắt thêm 1 lát mỏng (vài milimet) để cây ráo mủ.

Bước 2: Dùng dao bén mở miệng gốc ghép: cắt để tạo thành 1 hình chữ V lõm hở miệng. Chiều sâu vết cắt khoảng 1 – 1.5 cm. Cần cắt thật ngọt, cắt 1 đường. Tránh tình trạng cứa sẽ làm giập phần cắt.

Bước 3: Nơi chồi ghép (bo ghép), ta dùng dao cắt, vạt phần dưới chồi ghép sao cho tạo thành 1 chữ V lồi. Phần chồi ghép có thể cắt hết lá hoặc chừa lại vài lá ở phần ngọn. Lưu ý là phần vạt nêm này phải có kích thước tương đương với phần rãnh trên nhánh ghép ở bước 2.

Bước 4: Đem cắm phần bo ghép vào gốc ghép sao cho thật khít. Có thể để chồi ghép ở giữa hoặc để sát mí gần với phần da gốc ghép. Nếu để ở giữa, vết ghép sau này sẽ cân đối, liền mạch và đẹp. Nếu để 1 bên, vết ghép sẽ mau liền da hơn.

Bước 5: Dùng dây nhựa mềm (băng keo lụa) quấn vết ghép lại. Theo kinh nghiệm của Cây Sứ Cảnh thì bạn nên chọn loại băng keo có thể tự phân hủy để vết ghép sau này được liền thẹo, trông đẹp hơn. Còn nếu dùng dây nylon (không có độ đàn hồi) sẽ khiến phần ghép sau này không liền mạch, trông không đẹp.

Bước 6: Dùng túi nylon trong trùm kín bo ghép lại để tránh thoát hơi nước.

Huong-dan-cach-ghep-cay-su-va-chon-bo-ghep-chu-v.jpg

Hiện có 1 cách vạt nêm mới được áp dụng đó là không mở miệng gốc ghép trên toàn bề mặt vết cắt ngang mà chỉ vạt 1 hình chữ V sát mí với vỏ thân cây vừa đủ để cắm phần chồi ghép vào. Với phương pháp này, vết ghép sẽ rất mau liền sẹo, chồi ghép sẽ phát triển mạnh hơn.

Chăm sóc cây sứ sau khi ghép vạt nêm

Mang cây sứ vào nơi thoáng mát. Sau 7 ngày nếu bo ghép vẫn còn tươi thì đã ghép thành công. Nhưng vẫn tiếp tục để cây trong mát từ 1 – 2 tuần rồi mang cây ra nắng dần dần. Nếu mang ra nắng sớm, sẽ có khả năng bo ghép bị khô.

Sau khoảng 12 ngày kể từ ngày ghép thì mới được tháo túi nylon ra. Nhưng đừng vội tháo lớp băng keo giữ mắt ghép. Nếu là dùng loại băng keo tự phân hủy thì bạn cứ để cho nó tự phân hủy theo thời gian (thường sau 1 năm băng keo sẽ tự phân hủy). Còn nếu dùng loại dây quấn khác thì chỉ cắt dây khi cây sứ có dấu hiệu phát triển.

Nên cắt dây buộc vào buổi chiều mát, để bo ghép có thời gian dài (từ lúc tháo dây đến sáng hôm sau) thích nghi với nhiệt độ môi trường.

Không tưới nước vào bo ghép trong 3 ngày nước.

Một số vấn đề gặp phải khi tiến hành ghép cây sứ

-          Ghép lộn đầu

Nhiều trường hợp (có thể) do sơ ý mà người ghép đặt bo ghép vào lộn đầu. Nếu thành công thì cây vẫn phát triển, nhưng rất chậm. Phần bo ghép tiếp xúc với gốc ghép sẽ bị phù lên.

Trường hợp này thì tốt nhất là nên cắt bỏ và ghép lại. Tuy nhiên, với những người chơi sứ bonsai thì họ vẫn sẽ giữ lại vì cần 1 bo ghép sinh trưởng càng chậm càng tốt.

-          Xung quanh gốc ghép nảy chồi

Sau khi ghép 1 thời gian, chúng ta có thể thấy xung quanh gốc ghép nảy chồi và các chồi phát triển rất mạnh.

Do đó cần theo dõi sự phát triển của cây sứ để có thể loại bỏ sớm các chồi mới mọc này. Bởi các chồi này phát triển có thể làm cho phần bo ghép bị loại suy.

Xem thêm: Hướng dẫn cách ghép cây sứ và những lưu ý khi ghép: Ghép Ngồi

Tin tức nổi bật