Cây sứ cảnh
Không Chỉ Là Cây Cảnh

Hướng dẫn cách ghép cây sứ và những lưu ý khi ghép: Ghép Ngồi

6/5/2019 2:13:00 PM  

Cách ghép cây sứ bằng phương pháp Ghép Ngồi có ưu điểm là tiết kiệm chồi ghép và cũng cho vết ghép đẹp. Tùy mỗi nhà vườn sẽ có những bí quyết riêng để vết ghép đẹp hơn, bo phát triển tốt hơn,… Riêng với Cây Sứ Cảnh, chúng tôi cũng có 1 số lưu ý nhỏ khi thực hiện biện pháp này. Tất cả xin được chia sẻ ngắn gọn qua bài viết sau.

Ưu điểm: Thời gian thực hiện nhanh, tiết kiệm bo ghép, vết ghép mau liền sẹo, thẩm mỹ cao. Phương pháp này được người chơi sứ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới áp dụng.

huong-dan-cach-ghep-cay-su-va-nhung-luu-y-khi-ghep-ghep-ngoi-2.jpg

Chuẩn bị:

Gốc ghép: là cây sứ được dùng để ghép. Gốc ghép cần phải là cây đang phát triển tốt. Đường kính nhánh ghép tốt nhất là khoảng 1 – 2 cm. Da của gốc ghép nên có màu hơi ngả xám, không bị nhiễm bệnh.

Bo ghép: Chọn bo ghép có màu ngả xám. Nếu có thể thì chọn bo ghép có màu sắc càng giống với gốc ghép càng tốt, sau này sẽ cho cây ghép rất đẹp. Bo được chọn nên có tốc độ sinh trưởng tương đồng với gốc ghép, tránh trường hợp gốc ghép phát triển mạnh mà bo lại yếu hoặc ngược lại. Bo được chọn từ phần trên ngọn xuống dưới, chiều dài của bo khoảng 1 cm, và có khoảng 1 – 3 mắt lá, nơi này sẽ nảy chồi khi ghép thành công. Với những lá già thì bạn có thể ngắt bỏ để tạo thành mắt lá, nhưng với những lá non thì nên dùng lưỡi lam để cắt bỏ.

Dao ghép: Cây Sứ Cảnh thường sử dụng dao để thao tác. Dao nên có kích thước nhỏ và tầm ngắn thì thao tác sẽ “ngọt” hơn. Dao cắt phải sạch, vô trùng.

Túi nylon và Dây nylon: Nên chọn túi và dây nylon màu trắng để không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của bo.

Dây chun

Thời điểm ghép:

Ghép vào mùa nắng sẽ cho tỉ lệ thành công cao hơn. Sở dĩ như vậy là  vì khi ghép sứ vào mùa mưa (ở miền Nam) hoặc vào lúc thời tiết lạnh (ở miền Bắc) sẽ khiến cho túi nynon dễ sinh hơi nước khiến hỏng bo ghép.

Các bước thực hiện

Bước 1: Trước hết cắt ngang thân (cành) sứ muốn ghép sao cho vết cắt thật phẳng – dùng dao có lưỡi cứng để cắt thì bề mặt cắt sẽ phẳng hơn dùng dao lam.

Bước 2: Đặt bo ghép lên phần gốc ghép vừa cắt, sao cho 2 mặt phẳng của bo ghép và gốc ghép thật khít với nhau.

Bước 3: Dùng tay giữ cho phần bo cố định, thẳng đứng trên gốc ghép, dùng tay còn lại kéo 1 vòng dây nylon qua đỉnh gốc ghép và ép sát bo ghép vào gốc ghép. Sau đó quấn băng keo quanh gốc ghép để giữ chặt dây sao cho bo ghép dính chặt cố định vào gốc ghép.

Bước 4: Lấy túi nylon trùm kín bo ghép, rồi dùng dây chun hoặc dây nylon buộc miệng túi lại. Có thể để cây dưới nắng. Sau 1 tuần, nếu bo ghép không bị mềm nhũn, ở đầu mắt lá nổi u lên có dấu hiệu nảy chồi thì ghép thành công. Nếu bo ghép nào bị mềm nhũn thì nhanh chóng cắt dây, tránh ảnh hưởng đến gốc ghép.

Sau 7 – 10 ngày, tháo bao nylon ra để các chồi ghép phát triển bình thường.

Ghép bằng phương pháp Ghép Ngồi chồi sẽ nảy lá mới chậm hơn so với ghép vạt nêm, nhưng vết ghép sau này sẽ rất đẹp do các phần da của cả gốc ghép và bo ghép đều liền nhau.

Xem chi tiết: Hướng dẫn cách ghép cây sứ và chọn bo: Ghép chữ V

huong-dan-cach-ghep-cay-su-va-nhung-luu-y-khi-ghep-ghep-ngoi-1.jpg

Một số lưu ý khi áp dụng cách ghép Ngồi ở cây Sứ

Trong quá trình thao tác cắt gốc ghép và bo ghép nên cắt thật ngọt, dứt khoát, không cắt đi cắt lại. Vì như vậy để đảm bảo cho vết cắt bằng phẳng không bị lồi lõm, khi ghép mặt cắt của gốc ghép và bo ghép mới được tiếp xúc với nhau nhiều hơn, tỉ lệ thành công cao hơn.

Sau khi cắt phải ghép ngay, thao tác ghép phải gọn, và tuyệt đối không được để đất cát, nước dính vào chỗ tiếp xúc giữa gốc ghép và bo ghép.

Ở Bước 3, nhiều người dùng dây chun để giữ cho dây nylon được cố định trên gốc ghép. Nhưng Cây Sứ Cảnh khuyên mọi người không nên áp dụng như vậy. Bởi dây chun khi buộc chặt có thể làm ứ nước, ngăn dinh dưỡng từ gốc ghép lên nuôi bo. Từ đó, tỉ lệ sống của bo cũng sẽ thấp hơn. Trong trường hợp dùng dây chun, thì không nên buộc quá chặt vào phần gốc ghép.

 

Tin tức nổi bật