Nói về cách thụ phấn cây Sứ thì có lẽ đây là 1 đề tài không mới nhưng cũng chưa bao giờ được dừng bàn luận đối với những người chơi Sứ. Do đó trong phạm vi bài viết, Cây Sứ Cảnh sẽ chỉ nêu lên cách làm của mình thông qua kinh nghiệm thực tiễn và những gì học được từ sách báo. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ mọi người.
Như chúng ta đã biết, có 2 cách để phụ phấn trên hoa Sứ:
- Thụ phấn do sự tác động của tự nhiên (côn trùng, kiến, ong thụ phấn,…).
- Thụ phấn nhân tạo. Đây cũng chính là phần mà chúng ta sẽ cùng bàn luận trong bài chia sẻ này.
1. Thụ phấn để đậu trái, lấy hạt
a. Cấu tạo hoa Sứ
Muốn tạo giống ở cây hoa Sứ, chúng ta phải biết nhụy đực, nhụy cái của hoa nằm ở đâu, hình dáng như thế nào. Nghĩa là chúng ta phải biết cấu tạo của hoa Sứ - nơi quá trình thụ phấn diễn ra.
Trước hết là nhành hoa Sứ được chụp theo chiều cắt dọc (từ cuống hoa đến đầu cánh hoa) và hình vẽ hoa Sứ để dễ nhận biết cấu tạo của hoa Sứ hơn. Trước khi tiến hành thụ phấn, bạn nên xẻ hoa Sứ ra xem xét nhiều lần để tập nhận biết đâu là phần đực, phần cái của hoa Sứ. Bởi mỗi giống Sứ thường có cấu tạo hơi khác nhau về: độ dài các cọng nhụy, độ to nhỏ của ống phễu chứa phấn và núm nhụy và độ nhiều ít khác nhau của phấn đực.
Hoa Sứ có ống hoa nhỏ, có giống ống hoa rất nhỏ và hẹp nên côn trùng khó xâm nhập để hút mật và thụ phấn. Giữa bao phấn và núm nhụy có 1 màng nhỏ của núm nhụy cái ngăn cách phấn hoa.
Xem hình cấu tạo hoa Sứ, ta thấy phần phấn đực rất khó lọt qua 1 màng mỏng ngăn cách với vùng thụ phấn của nhụy cái, đây là vùng có lớp chất nhầy (để bám lấy phấn). Do đó cây Sứ rất khó tự thụ phấn nên cây chỉ thụ phấn khi côn trùng thò vòi hút mật vào hoa để chích, hút và chúng đụng vòi vào phấn đực nên phấn đực dính vào vòi, vòi hút đó tiếp tục chọc thủng màng ngăn và tiếp xúc với vùng thụ phấn bên dưới núm nhụy thì cơ hội thụ phấn mới diễn ra. Mũi tên trong hình (hình phía dưới) mô tả đường đi của phấn đực đến điểm thụ phấn nằm sát dưới núm nhụy cái. Phấn đực nằm tại đây thì khả năng thụ phấn mới xảy ra.
b. Thụ phấn
Nguyên tắc thụ phấn: Dùng 1 vật trích lấy phấn đực và đưa phần phấn đực này dính vào vùng thụ phấn ngay dưới núm nhụy cái (theo hình mũi tên)
Tuy nhiên, cả phấn đực và núm nhụy cái đều nằm trong bao phấn (khép kín) nên ta chỉ thực hiện được thao tác thụ phấn khi tách lớp vỏ bao phấn ra, để lộ ra ngoài vùng thụ phấn đó là: phấn đực và núm nhụy cái.
Dưới đây là chi tiết các bước kĩ thuật thụ phấn:
LẤY PHẤN ĐỰC TỪ HOA BỐ
1. Cắt bỏ 1 phần nhánh hoa, chỉ chừa lại trên hoa vài cánh cùng đầy đủ các bộ phận bên trong như 5 cọng nhụy hoa, nhị hoa.
2. Tại điểm chụm lại (điểm eo) này thì 5 cọng nhụy mới bắt đầu rời nhau ra khỏi và vươn lên tách biệt hẳn. Ta rứt bỏ 5 cọng nhụy ở phía trên điểm eo này.
3. Phấn đực nằm ở ngay đỉnh đầu hình nón (côn). Núm nhụy (đầu nhụy) có đỉnh hơi bẹt nên không tiếp nhận được phấn đực cho nên không thụ phấn. Vùng thụ phấn được của núm nhụy chính là mặt dưới hơi cong của núm nhụy.
4. Dùng cọ hoặc nhíp, miếng kim loại nhỏ lấy phấn đực ngay đỉnh đầu côn hình nón. Đầu côn chính là chỗ eo thắt lại của 5 cọng nhụy đực từ dưới đi lên.
5. Phấn đực đã được lấy ra khỏi đầu côn. Rất cẩn thận, từ từ để lấy tất cả phấn đực mà hoa Sứ có.
TIẾN HÀNH THỤ PHẤN NHÂN TẠO VÀO HOA MẸ
6.Rạch 1 đường ở cánh hoa mẹ nhằm để lộ ra các bộ phận bên trong của hoa sứ như 5 cọng nhụy hoa, nhị hoa.
7. Đưa phấn đực từ hoa bố vào vùng thụ phấn.
8. Dùng băng keo (hoặc dây chun) dán vòng quanh ống hoa để giữ hình hài nguyên vẹn cho hoa.
9. Trái đã đậu.
10. Trái trưởng thành.
Thụ phấn đơn: Dùng phấn đực của hoa Sứ phết lên nhụy cái cũng của hoa Sứ đó hoặc phần phấn đực đó dùng để phết lên các hoa khác nhưng trên 1 cây cùng giống. Trái đậu sau khi thụ phấn mang tính chất, đặc điểm của cây cũ. Đây là việc thụ phấn để có trái và lấy hạt Sứ.
Thụ phấn chéo (để lai tạo giống mới): Là việc dùng phấn đực của hoa Sứ giống này (cây bố) đưa qua phần nhụy cái của hoa Sứ giống khác (cây mẹ). Sự kết hợp này giữa phấn và nhụy của 2 cây Sứ giống hoa khác nhau tạo nên giống Sứ mới.
2. Một số lưu ý khi chọn lựa giống để thụ phấn
Sở dĩ nhà vườn thường lai tạo cây Sứ là với mong muốn tạo ra giống mới, vừa thừa hưởng những đặc điểm tốt của cây bố mẹ, vừa tạo ra nét mới giữa 2 cây. Vậy khi chọn giống bố mẹ thì chúng ta cần chú ý điều gì? Dưới đây là số lưu ý khi chọn lựa giống để thụ phấn mà chúng ta cần quan tâm:
- Kích thước hoa:
Hầu hết người chơi đều thích kích thước hoa lớn. Nhưng chúng tôi nghĩ kích thước không thành vấn đề. Thậm chí, 1 số hoa lớn hơn lại là hoa ít năng suất hơn so với những hoa kích thước nhỏ.
- Chọn “áo” cho hoa:
Đây là điều quan trọng để hoa của bạn có được một lớp áo đẹp hơn và hấp dẫn hơn. Ví dụ như bạn đã có những cánh hoa thuần đỏ, trắng, tím và hồng thì giờ có thể đặt lên chúng là viền, sọc, chấm,… Điều này sẽ khiến những bông hoa Sứ trông “gợi cảm” hơn.
- Hướng của bông hoa: Hoa tốt là khi nở rộ nó sẽ hướng lên trên. Với những cuống hoa không đủ mạnh, nó sẽ khiến những đóa hoa khi nở sẽ úp xuống ngay.
- Cánh hoa dày: Cánh hoa dày sẽ nở dài hơn cánh hoa mỏng và nó cũng chống lại côn trùng, mưa, bệnh tật tốt hơn.
- Lá: Chọn đặc tính của lá phù hợp với hoa của cây Sứ. Ví dụ, những chiếc lá nhỏ, dài và hẹp sẽ thích hợp hơn với bông hoa Sứ nhỏ.
- Bệnh hại:
Trên thực tế, điều này không được người mua quan tâm vì họ không thể biết được những cây Sứ nào họ mua đang bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên điều này lại quan trọng với những người gây giống hoặc trồng. Bởi chúng sẽ làm cho hoa và lá bị yếu đi hoặc không cho ra kết quả lai tạo như mong muốn. Chúng ta có thể nhận thấy triệu chứng này như hoa đốm nâu, đốm trắng nhỏ trên lá, lá xoăn.
3. Những lưu ý khi thụ phấn cây Sứ
- Chọn lựa 2 giống bố, mẹ cẩn thận nếu muốn lai 2 giống này với nhau. Hai giống bố, mẹ phải có những đặc điểm đáng kể về hoa xứng đáng để lai tạo.
- Hoa Sứ để thực hiện việc lai tạo nên chọn khi vừa mới nở để đảm bảo hoa thuần khiết, chưa bị ảnh hưởng bởi tác động của côn trùng.
- Thụ phấn vào khoảng 7 – 8 giờ sáng là tốt nhất, khi trời vẫn còn mát và đã có nắng nhẹ.
- Các hoa Sứ quá già không phù hợp cho việc thụ phấn vì sau khi nở vài ngày thì nhiệt độ môi trường nóng sẽ khiến phấn đực trong hoa khô đi, mất chất lượng khi thụ phấn.
- Ghi chép cẩn thận việc thụ phấn để sau này biết được giống Sứ mới (nếu có) là cây lai từ 2 giống bố mẹ nào để dễ lập “gia phả” cho các giống Sứ sau này.
Vậy là xong. Chúc các bạn có thể lai tạo được thật nhiều giống Sứ mới nhé!
Thông thường, trái sẽ chín từ lúc thụ phấn tới lúc thu hoạch khoảng 75 ngày vào mùa hè và khoảng 95 ngày vào mùa đông. Lúc này, bạn đã có thể tham khảo: Cách ươm hạt cây sứ và cách chăm sóc cây con sau khi ươm
Một số hình ảnh cây sứ được thụ phấn thành công tại Hoa Sứ Việt