Cây sứ cảnh
Không Chỉ Là Cây Cảnh

Vì sao cây sứ có tên khoa học là Adenium?

6/6/2019 11:21:00 AM  

Người châu Âu đầu tiên thấy cây sứ ngoài tự nhiên là 1 người Đức tên là Pehr Forsskal. Năm 1761, Forsskal tham gia 1 chuyến thám hiểm đến vùng Ai Cập, Ả  Rập và Ấn Độ dưới sự tài trợ của nhà vua Đan Mạch. Đoàn thám hiểm đến Yemen vào tháng 12 năm 1762 và Forsskal đã thấy cây sứ. Ông mất năm 31 tuổi vào tháng 7.1763 và nguyên nhân được cho là bị sốt rét.

Sau đó Johann H.Roemer và Joseph A. Schultes năm 1819 mới dùng chữ Adenium để đặt tên cho cây sứ. Roemer sinh đúng năm 1763, năm Forsskal mất. Từ Adenium xuất phát từ chữ Aden (Adenium). Aden là tên trước đây của đất nước Yemen và cũng là tên để chỉ khu vực vùng vịnh Yemen, Ả Rập từ Biển Đỏ đổ ra Ấn Độ Dương.

vi-sao-cay-su-co-ten-khoa-hoc-la-adenium.jpg

Như vậy cây sứ đã được biết đến gần 300 năm. Với tên gọi Desert Rose (Hồng sa mạc) như vậy, có thể nói cây sứ là 1 loài cây sa mạc và có nguồn gốc sa mạc nên mang đặc tính rõ rệt của cây sa mạc: thân, củ, rễ cây sứ luôn mọng nước và rễ mọc sâu vào lòng đất để hút nước. Cây sứ có nhựa (mủ) đắng và độc đối với vật nuôi.

Cây sứ thuộc nhóm cây Xương rồng và cây mọng nước (Cactus & succulent) và thuộc họ Trúc đào Apocynaceae gồm các cây như Plumeria (Sứ đại, sứ cùi), Nerium (Trước đào), Tabernaemontana (Lài trâu), Thevetia peruviana (Thông thiên), Cerbera (Mướp xác), Wrightia (Mai chiếu thủy),… Đa số hoa của cây họ này đều có hoa 5 cánh, nhiều màu đẹp, được dùng để trồng trang trí sân vườn, hàng rào,… và tại Việt Nam rất dễ tìm thấy các loại cây này.

Trên thế giới, cây sứ có giá trị cao trên thị trường bởi nó khó trồng và phát triển chậm trong điều kiện mát, lạnh và khó tự giao phấn để có hạt. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi vào những năm 1970, kĩ thuật giao phấn bằng tay cho cây sứ đã được áp dụng thành công và đem lại diện mạo mới cho cây sứ.

Vào những năm 1980, các nhà vườn ở Ấn Độ và Thái Lan đã sản xuất được hạt để gieo trồng và đem bán hạt giống đi các nước khác. Việc nhân giống sứ bằng hạt đã gia tăng đáng kể số lượng cây sứ nhưng điều này không bất ngờ bằng việc xuất hiện các loài sứ lạ, đẹp, có màu sắc nổi trội hơn so với các loài nguyên thủy. Tất cả là nhờ phương pháp lai tạo của các nhà vườn. Việc lai tạo được bắt đầu ở Mỹ, Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ,…

Nền kinh tế Thái Lan được xem như 1 nền kinh tế “nóng”. Tức bất cứ cái gì mới đều có giá cao và tạo được sự chú ý. Chính vì thế các nhà trồng sứ tại đây luôn hồ hởi trong việc lai tạo các giống sứ mới và lạ. Họ nhập nhiều giống sứ tốt từ Mỹ và Đài Loan làm nguyên liệu để nhân giống và lai tạo ra nhiều giống mới.

Lúc bấy giờ, các giống sứ mới xuất hiện ở Việt Nam đa phần được nhập từ Thái Lan nhưng không có nghĩa tất cả các giống mới nhập từ Thái Lan đều được lai tạo từ người Thái. Đơn giản việc xuất nhập khẩu qua lại giữa Việt Nam và Thái Lan thuận lợi và rẻ hơn so với những nước khác. Có chăng chính điều này mà trước đây chúng ta vẫn thường hay gọi cây sứ với cái tên là Sứ Thái?!

Nhưng cũng nên nói đến cây sứ Việt Nam. Nghề trồng sứ ở nước ta tuy không thể so sánh về mặt khoa học kĩ thuật trong việc nuôi trồng, lai tạo các giống mới nhưng cây sứ Việt Nam cũng có nét riêng của nó và cũng có 1 lịch sử gần nửa thế kỉ.

Thời tiết và điều kiện nuôi trồng, thổ nhưỡng tại Việt Nam có thể nói vô cùng thuận lợi cho việc phát triển của cây sứ. Chất trồng sứ từ phân chuồng, tro trấu, xơ dừa,… có thể tìm thấy ở khắp nơi. Khí hậu Việt Nam thuộc nhiệt đới – cận nhiệt đới quanh năm nắng ấm, ánh sáng luôn dồi dào rất tốt cho cây “sa mạc” này. Đồng thời, nếu như việc nuôi trồng sứ ở nước ngoài gặp khó khăn khi phải đạt yêu cầu về điều kiện nông nghiệp theo quy định của chính quyền sở tại. Thì nền nông nghiệp ở nước ta luôn được khuyến khích đặc biệt, nhất là việc chuyển đổi từ sản xuất cây lương thực sang cây cảnh.

Tóm lại, chúng ta có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho cây sứ. Cũng chính lý do này, Cây Sứ Cảnh mong muốn có thể góp sức với những người chơi sứ tại Việt Nam cùng phát triển loài cây “sa mạc” này. Toàn bộ những kinh nghiệm và những kiến thức học hỏi được về việc trồng, chăm sóc và lai tạo cây sứ Cây Sứ Cảnh xin được chia sẻ toàn bộ trên website này và Fanpage Vườn Sứ Việt.

Chắc chắn những thông tin này không thể tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của quý vị nghệ nhân, bạn đọc xa gần để những bài viết sau này có thể được hoàn thiện hơn.

Tin tức nổi bật