Cây sứ cảnh
Không Chỉ Là Cây Cảnh

Sâu, bệnh hại cây sứ thường gặp và cách xử lý hiệu quả

8/22/2019 10:38:00 AM  

Bản thân cây sứ có nhựa đục, đắng và độc nên rất ít bị sâu, côn trùng tấn công. Nhưng trong nhiều trường hợp cây vẫn bị 1 số loại sâu hại cắn phá làm hỏng cây sứ. Chưa kể trong quá trình trồng, vì lý do ngoại cảnh hay đôi khi do chính chúng ta tác động cũng khiến cây trở nên nhiễm bệnh và yếu ớt. Để xử lý những vấn đề trên, chúng ta cần biết những loại sâu, bệnh hại thường thấy ở cây sứ để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

SÂU BỆNH THƯỜNG THẤY TRÊN CÂY SỨ VÀ CÁCH XỬ LÝ

1. Sâu xanh hại cây sứ

Là loài mang tính tàn phá nhất đối với cây sứ. Ấu trùng sâu xanh thường do bướm đẻ trên lá sứ.

Nguyện nhân chủ yếu là do bướm đêm. Bướm tới đẻ trứng lên đọt non, cứ mỗi đọt chúng để lại đôi ba mẫu trứng, mang chất nhựa dính chặt vào lá non.

Đặc điểm của loài sâu xanh ăn sứ: Sâu xanh rất sợ ánh sáng, ban ngày chúng ẩn mình dưới mặt lá. Độ từ chiều đến ban đêm chúng sẽ hoạt động và tấn công mạnh mẽ lên cây sứ, nhất là thời điểm sứ ra đọt non và hoa mới.

Theo kinh nghiệm của bạn Âu Dương Phong chia sẻ trên Fanpage Hoa Sứ Việt của chúng tôi, bạn quan sát thấy mỗi tháng bướm về đẻ trứng 2 lần. Vào đêm 12, 13, 14, 27, 28, 29 âm lịch. Trứng sẽ nở 2 – 3 đêm. Thường bạn sẽ xịt sâu định kỳ vào đêm 14 và 29 âm lịch như vậy vừa trị sâu, vừa ngừa được sâu gây hại.

Biện pháp phòng ngừa sâu xanh hại sứ: Với số lượng ít thì có thể bắt bằng tay. Hoặc: Sử dụng các chế phẩm phòng trừ sâu như Karate 2.5EC, ViBT, chế phẩm nấm xanh, Brightin 1.8EC,…

Nên phun thuốc vào buổi chiều. Phun cả 2 mặt của lá cây sứ. Trong trường hợp người trồng ít có thời gian theo dõi sức khỏe của cây thì có thể phun phòng với thuốc Karate 2.5EC. Phun phòng định kì 10 – 15 ngày/lần.

Sau-benh-hai-cay-su-thuong-gap-va-cach-xu-ly-hieu-qua.png

2. Rầy bông trên cây sứ

Màu trắng, thân nhỏ hẹp có lông trắng khắp mình thường tập trung trên lá non làm lá và hoa bị xoắn. Phấn rầy rơi đầy mặt lá, đọt lá lâu ngày khiến lá bị thối nhũn.

Thuốc trị: Vicidi – M50 ND, Visher 25 ND, Vidithoate 40 ND,…

Sau-benh-hai-cay-su-thuong-gap-va-cach-xu-ly-hieu-qua-1.png

3. Rệp, nhện đỏ trên cây sứ

Rệp, nhện đỏ là loài có thân và lông tơ màu đỏ, rất nhỏ. Loài này thường tấn công trên các giống sứ có nhiều lông mịn (những loại sứ khác vẫn có khả năng bị tấn công, nhưng thường nhất là loại sứ có lông mịn). Nếu không xịt, phun thuốc kịp thời sẽ làm lây lan sang các cây khác.

Rệp, nhện đỏ chích hút nhựa lá non rồi dần làm lá khô, rụng hết cả đọt lá. Cây bị nhiễm rệp thì bộ lá không phát triển do đó cây không hít thở nên cũng kém lớn.

Để phòng và diệt trừ rệp, nhện đỏ trên cây sứ chúng ta cần:

Các giống sứ có lá nhiều lông nên được trồng tách riêng so với các giống khác. Để khi phát hiện rệp tấn công thì cũng dễ xử lí và tránh lây lan.

Ngoài xịt, phun thuốc ra nếu khi thấy cây sứ bị nhiễm rệp quá nặng thì ta nên diệt hết các mầm rệp bằng việc cắt các cành sứ bị nhiễm rệp và để cây sứ mọc cành mới khỏe mạnh hơn.

Thuốc trị: Supracide, Trebon, Bi 58, Kelthane, Viphensa 50ND, D-C Ttron Plus,…

4. Rệp vừng trên cây sứ

Màu vàng nhỏ và thường bám trên nụ hoa rất dễ được nhận biết do màu sắc nổi bật và kích thước khá lớn. Khi có rệp vừng, kiến cũng thường xuất hiện theo bởi chúng rất thích ăn rệp vừng. Ta có thể dùng tay để “vuốt” sạch đi cả nhóm rệp vừng khi thấy chúng hiện.

Thuốc trị: Rệp vừng có thể trị bằng Supracide tuy nhiên chúng vẫn có thể miễn nhiễm với vài loại thuốc trừ sâu.

Sau-benh-hai-cay-su-thuong-gap-va-cach-xu-ly-hieu-qua-2.png

5. Bệnh vẩy nến trên cây sứ

Xuất hiện và bám trên gân giữa lá. Khi mua 1 cây sứ mới cần kiểm tra xem vẩy nến có tập trung dưới là không. Ta phải cắt bỏ hết những lá bị nhiễm bệnh và phun qua 1 lần thuốc trừ sâu để ngừa bị nhiễm, lây lan ra toàn cây.

Cách xử lý: Khi vẩy nến xuất hiện thì coi như lá sứ đã bị phá hoại nên tốt hơn là cắt bỏ hết đoạn cành bị vẩy nến phá hoại. Có thể dùng các loại thuốc tương tự như trên để điều trị.

Tuy nhiên, 1 cách tổng quát nhà vườn có thể dùng hai loại thuốc sau đây (không cần phải đầu tư nhiều loại thuốc khác nhau) để diệt trừ các loại sâu rầy:

- Serpa: Dành cho các loại rầy, sâu xanh.

- Alphamite: Dành cho các loại nhện, mùi không hôi như Supracide

Biện pháp phòng trừ:

Để hạn chế tác hại của sâu bệnh, người trồng nên thường xuyên kiểm tra cây sứ nhất là lúc cây đang ra đọt non hoặc mới nhú hoa. Quan sát, kiểm tra cây sứ vào buổi chiều mát sẽ dễ phát hiện sâu bệnh hơn.

Khi vừa phát hiện sâu bệnh thì nên bắt và loại bỏ chúng ngay.

Nếu trồng sứ trên diện tích lớn, không có điều kiện bắt bằng tay thì nên phun thuốc trừ sâu định kì cho cây. Cần xịt cả 2 mặt lá để đảm bảo sâu bệnh bị tiêu diệt.

NHỮNG BỆNH THƯỜNG GẶP TRÊN CÂY SỨ VÀ CÁCH KHẮC PHỤC

1. Bệnh thường gặp ở cây sứ:

Hầu hết bệnh của cây sứ đều do cây dư nước (tưới quá nhiều, mưa nhiều hoặc chậu trồng không thoát nước) dẫn tới bị thối, úng củ, rễ sứ. Dư nước có thể xảy ra ở củ, rễ sứ hoặc dư nước ở lá mặc dù nhìn chung, cây sứ ưa độ ẩm cao và lá cây thường xuyên được giữ ẩm (để tránh thoát nước). Phần đất trồng kém thoát nước sẽ làm cây thối, úng.

2.Bệnh của lá:

Bộ lá thường xuyên ẩm thậm chí sẽ làm cho lá chuyển sang màu nâu và thối rữa. Các nấm trắng có thể thấy trên lá và rất nhiều lá trên đọt sẽ dính với nhau. Vết thối rữa sẽ rất nhanh lan xuống phần đọt mềm và có thể thấy cả 1 mảng đen. Lá sứ khi đã già và khô, héo cần được lặt bỏ đi vì lá khô nếu còn dính lại đọt, cành thì sẽ trở nên mềm, xốp khi gặp nước và làm thối cả đọt.

3. Bệnh thối hoa ở cây sứ:

Hoa sau khi nở, già và rụng đi. Nhưng cấu tạo hình ống lại khiến hoa trữ nước khi có nước lọt vào như thế hoa sẽ dễ bị úng nước và thối rữa vì dư nước. Hoa thối rữa sẽ lan nhanh ra đọt làm thối cả đọt.

Để tránh tình trạng trên, nên tưới cây vào sáng sớm để nếu có lượng nước đọng vào thì vẫn có thời gian bay đi khi trời nắng lên. Không tưới cây vào chiều hoặc tối. Tốt nhất khi tưới thì nên tránh tưới vào đọt và hoa.

Sau-benh-hai-cay-su-thuong-gap-va-cach-xu-ly-hieu-qua-3.png

4. Bệnh thối cành ở cây sứ:

Vết thối rữa này đôi khi cũng tự khô đi và sẽ tự rụng, phần thối rữa sẽ không phát triển thêm nữa. Phần cành sứ còn lại sẽ tự lành, tiếp tục phát triển, ra đọt mới.

Sau-benh-hai-cay-su-thuong-gap-va-cach-xu-ly-hieu-qua-4.png

5. Bệnh thối củ ở cây sứ:

Đây là bệnh nguy hại nhất với cây sứ, đối với cây sứ hạt thì khi củ bị thối rữa coi như cây sứ cũng chết hoặc rất khó chữa. Khi thấy các lá sứ ngả màu vàng và khi lay các lá vàng này mà lá không rụng thì cần kiểm trá sứ, nhất định sẽ có 1 phần củ bị thối. (Trong trường hợp chạm vào lá vàng mà lá rụng thì đây là việc bình thường, đó chỉ là quy luật lá vàng thì rụng của cây mà thôi)

Cây sứ trồng từ cành giâm hoặc chiết cành thì khi thấy có triệu chứng, ta kiểm tra rễ gần với chỗ lá vàng nhất thì sẽ thấy phần rễ bị thối.

Khi cần cần nhổ cả cây lên, rũ và rửa sạch đất. Dùng dao bén, sạch cắt hoặc dùng muỗng nạo phần bị thối đến khi không còn vết thối nữa. Dùng vôi hoặc sơn bôi lên vết cắt, để ráo mủ và treo cây chỗ thoáng mát và trồng lại cây sau 1 tuần. Cây sứ hạt nếu bị thối 1 nhánh rễ thì vẫn có thể chữa được như cách tên, cây chỉ không chữa được nếu thối phần củ.

Cây cũng dễ bị thối rễ, củ nếu trong quá trình thay chậu, nhà vườn sơ ý làm rễ, củ bị tổn thương. Vết tổn thương này khi gặp nước gây úng, thối cây sứ. Khi thay chậu, trên bề mặt lớp đất trồng mới trong chậu, ta rải 1 lớp Ridomil giúp diệt khuẩn trong đất hoặc trộn Topsin trong đất trồng mới để diệt khuẩn.

Xem chi tiết: Cách thay chậu và xử lý cây sứ sau khi thay chậu

Sau-benh-hai-cay-su-thuong-gap-va-cach-xu-ly-hieu-qua-5.png

6. Bệnh thối rễ ở cây sứ:

Ít nghiêm trọng hơn thối củ, nếu chữa kịp thì cây sẽ được cứu. Nếu để vết thối lan ra củ (cây sứ hột) thì khó chữa. Đa phần các cây giâm hoặc chiết cành khi thối rễ đều có thể cứu được.

 

Tin tức nổi bật