Cây sứ cảnh
Không Chỉ Là Cây Cảnh

Cách tạo dáng cho cây sứ: dáng thác đổ - sứ té

8/28/2019 11:25:00 AM  

Nhằm tạo ra sự đổi mới trong dáng dấp của cây sứ, những người chơi sứ lâu năm đã nghĩ ra cách tạo dáng cho cây sứ theo dáng thác đổ. Nhưng tên gọi chung của dáng này là “sứ té giếng”. Bạn đã biết về dáng này chưa?

Sứ té giếng thoạt nhìn sẽ rất giống với những cây bonsai có dáng thác đổ. Thế nhưng, những người chơi sứ vẫn cảm thấy “một chút khác biệt” giữa sứ với những cây bonsai khác. Sẽ thật khó hoặc thậm chí là không thể để dáng của sứ trở nên “bonsai” và “thác đổ” được. Thế nên cái tên “Sứ té giếng” được ra đời.

Cach-tao-dang-cho-cay-su-dang-thac-do-su-te-7.jpg

Toàn bộ kỹ thuật về cách tạo dáng cho cây sứ theo dáng sứ té đã được chia sẻ trên tạp chí Hoa cảnh 10/2013 của tác giả Ngọc Vũ Tường Oanh. Nay Cây Sứ Cảnh xin được chia sẻ lại và mạn phép được đóng góp một chút kinh nghiệm của mình cho các bạn yêu sứ qua bài viết này.

Chuẩn bị sứ nguyên liệu:

Chọn cây sứ nguyên liệu có cốt dài đủ để bạn có thể uốn cong được cây sứ tạo ra 1 dáng thế đẹp. Tiếp theo là bộ đế phải khuyết một tí (như hình dưới đây).

Nhôm quấn vải, hoặc đây kéo, dây dù dẹt (không nên dùng dây nilon vì dây này kém bền và có thể làm tổn thương đến cây sứ khi bị siết quá chặt).

 Cach-tao-dang-cho-cay-su-dang-thac-do-su-te-4.png

Thao tác thực hiện tạo dáng cho cây sứ

Trong kỹ thuật tạo dáng Sứ té giếng cho cây sứ thì việc kéo cành chính cho đổ xuống (uốn cho đổ) là một việc tương đối khó, cần sự khéo tay và chút kinh nghiệm của người chơi.

Nếu cành sứ nhỏ dễ uốn thì việc này chỉ đơn giản là lấy nhôm quấn vải uốn tạo dáng mà thôi. Chỉ cần treo cây sứ vài tuần thì những cành nhỏ này sẽ bắt đầu mềm, khi ấy lây dây cột bẻ tới lui là xong. (1)

Nếu là cây sứ già hơn, to hơn, cứng và khó uốn hơn: Chúng ta vẫn phải treo ngược cây sứ vài tuần cho cây được mềm ra. Sau đó dùng dây dù dẹt buộc căng vào 2 đầu: phần cành cây sứ và phần cốt cây sứ để tạo thành 1 hình vòng cung như hình dưới đây:

 Cach-tao-dang-cho-cay-su-dang-thac-do-su-te-3.jpg

Tiếp đến chúng ta sẽ dùng 1 thanh cây (cây đũa, cây tre hoặc cây nào cứng cứng cũng được) đặt giữa sợi dây dù dẹt đang căng, xoắn nhẹ 1 cái nó sẽ kéo căng sợi dây hơn và bắt đầu kéo cành sứ xuống. Nếu có cảm giác dây đã căng quá thì dừng lại, sau vài ngày thì lại dùng thanh cây ấy xoắn thêm 1 – 2 vòng nữa.

Cần cố định và cột thanh cây để nó không bật lại. Giữ như thế khoảng vài ngày cho cành thuần, rồi lấy sợ dây dù khác thay thế cho sợi dây dù kia đi.

Chúng ta cần giữ nguyên như thế từ vài tháng cho đến thậm chí là 1 năm thì sứ mới có thể hình thành dáng được. Đừng nóng vội mà gỡ dây như cách chơi bonsai, vì nó sẽ đàn hồi lại vị trí cũ ngay mà thôi.

Những cành nhánh nhỏ hơn trên cây sứ già này để tạo dáng thì chỉ cần thực hiện giống bước (1) là được.

Cach-tao-dang-cho-cay-su-dang-thac-do-su-te-6.jpg

Những lưu ý khi tiến hành tạo dáng cho cây sứ

Trước khi uốn cành, tạo dáng cho cây thì cần đặt sứ nơi râm mát khoảng 1 tuần để cây được mềm ra.

Cần dùng tay nắn sơ qua toàn bộ đoạn thân sứ muốn uốn để kiểm tra độ phù hợp khi tiến hành. Chú ý phải dùng lực vừa phải, nếu không cây sẽ bị gãy.

Không nên dùng dây nilon hoặc dây kẽm để uốn, vì nó sẽ để lại sẹo cho cây nếu như bị siết chặt.

Thời điểm uốn thích hợp là vào buổi trưa vì lúc này cây dẽo và khó gãy.

Các động tác uốn, vặn, siết chặt phải kết hợp đồng thời với nhau.

 

Tin tức nổi bật