Cây sứ cảnh
Không Chỉ Là Cây Cảnh

Những trường hợp cần cắt thân, cành của cây sứ

6/27/2019 11:05:00 AM  

Một trong những việc cần thao tác đối với cây sứ là cắt nhánh để cây ra nhánh mới giúp cây có hình dạng sum xuê và đầy đặn, hoa sẽ ra nhiều hơn. Khi cành nhánh không được cắt tỉa thường xuyên thì cành sẽ phát triển dài ra và ít ra hoa. Vậy khi nào thì cần cắt thân, cành của cây sứ?

Cắt thân, cành trong những trường hợp sau:

1. CẮT ĐỌT CÂY SỨ HỘT

Cây sứ hột nếu không cắt đọt thì thân sẽ mọc thẳng đứng và dễ gãy khi mưa to, gió lớn, và cây sẽ ít hoa. Việc xác định thời điểm cắt đọt cho cây sứ hột mang tính tương đối. Có nhà vườn cắt đọt non cây sứ hột ngay sau khi cây con ra đọt non đầu tiên (khoảng 1 tháng). Việc xác định thời điểm cắt đọt cho cây sứ hột chỉ mang tính chất tương đối. Cắt sớm quá có thể làm hư cây (cắt sát thân) khi cây không còn khả năng ra nầm lá mới hoặc cây sứ hột còn non sau khi cắt đọt sẽ có rất nhiều đọt non mọc chi chít trên phần ngọn nhìn cũng mất tự nhiên tưởng như cây đột biến.

Khi cắt quá sớm cây sứ cho nhiều đọt (nhánh) mới sẽ không đẹp, một cây sứ hột chỉ cần 5 – 6 nhánh là đẹp.

Tại Hoa Sứ Việt, chúng tôi thường để cây sứ con phát triển được độ 1 gang tay hơn rồi tiến hành cắt đọt.

nhung-truong-hop-can-cat-than-canh-cua-cay-su.JPG

2. CẮT NGANG THÂN CÂY SỨ GIÂM CÀNH, CHIẾT CÀNH

Nếu loại cây sứ như trên chỉ có 1 thân thẳng đứng mà chưa phân chia cành, nhánh thì cần phải cắt ngang thân để cây mọc nhiều cành, nhánh.

3. CẢI LÃO CHO CÂY SỨ

Những cây sứ già với nhiều cành già, dài và trơ lá cần được cắt ngang vào thời điểm ấm áp của năm để cây cải thiện việc phát triển, đọt non sẽ mang hoa. Kết hợp với việc cắt tán cho cây sứ già với việc sang chậu, thay đất trồng mới là tốt nhất.

4. GIÚP CÂY RA HOA

Một trong những cách dễ làm và an toàn nhất giúp cây sứ ra hoa là cắt cành và chắc chắn đọt non sau khi ra trên đầu sẽ mang 1 chùm nụ hoa. Đặc biệt, nếu kết hợp việc cắt cành với việc ngưng tưới cây 1 thời gian, cây sẽ cho hoa rực rỡ.

5. KIỂM SOÁT NGUỒN BỆNH

Khi cây có dấu hiệu bị thối, nhũn, các vết đen xuất hiện trên cành sứ thì phải dùng dao bét cắt hết phần thâm đen; cẩn thận hơn, cắt thêm lần nữa cho cây dứt mầm bệnh nếu không bệnh sẽ lan nhanh xuống rễ, củ coi như hết cứu được. Cần kiểm tra vết cắt thật kĩ cho tới khi chỉ còn màu trắng và không còn vết thâm nào. Vùng bị nhiễm bệnh trên thân cây sứ rất dễ quan sát, có màu vàng nâu hoặc hơi thâm đen nổi bật với các phần còn mạnh khỏe trên thân có màu xanh xám.

Cần lưu ý khi sử dụng dao cắt phần bệnh của cây: dao cắt cần được sát trùng khi cắt cành bệnh. Ở vết cắt cuối cùng, dao cần được làm sạch 1 lần nữa để tránh mầm bệnh dính vào vết cắt cuối.

nhung-truong-hop-can-cat-than-canh-cua-cay-su-1.JPG

6. KIỂM SOÁT SÂU BỆNH

Đối với các cây sứ lớn thì cần tiến hành cắt cành định kì, mỗi 6 tháng hoặc 1 năm cùng với việc tỉa bớt các nhánh già, bệnh,… Việc cắt nhánh như thế này ngoài việc giúp cây ra nhánh mới và ra hoa, quá trình này cũng giúp loại bỏ các loài sâu hại của cây sứ vốn luôn có trong lá sứ già như: rệp nhện, rầy bông,…

Với kinh nghiệm đã được tích lũy của mỗi nhà vườn, hoàn toàn chúng ta có thể “khiển hoa” cho cây sứ để chúng ra hoa đồng loạt vào 1 thời điểm xác định như các dịp lễ, Tết, các dịp trình diễn, dự thi,… bằng 1 việc rất đơn giản, không dùng đến hóa chất đó là: cắt cành.

Bài viết nhằm mục đích chia sẻ, mọi sao chép vui lòng ghi lại nguồn.

Xem thêm: 

Cách thay chậu và xử lý cây sứ sau khi thay chậu

 

Tin tức nổi bật