Cây sứ cảnh
Không Chỉ Là Cây Cảnh

Hướng dẫn tạo dáng cây sứ (bộ củ - rễ, dáng thế cây)

10/16/2019 10:05:00 AM  

Cây sứ ngoài sự nổi bật về vẻ đẹp là hoa còn cần kể đến bộ củ-rễ và bộ tán-lá của cây.

Huong-dan-tao-dang-cay-su.png

1. Tạo dáng bộ củ-rễ cây sứ

Bộ củ, rễ cây sứ có lẽ chỉ đứng sau hoa nếu xét đến sự đóng góp cho vẻ đẹp của 1 cây sứ. Cây sứ hột không dễ tạo dáng bằng cây sứ trồng từ cành giâm hoặc chiết cành vì cây sứ hột bộ củ chiếm phần lớn và rễ ít nên khó tạo dáng. Phần trình bày tạo dáng bộ rễ sứ sau đây chủ yếu dành cho cây sứ cành.

Mỗi khi thay chậu sứ, ta kết hợp với việc tạo dáng cho bộ rễ cây. Sau khi cây sứ được nhổ lên, rửa sạch đất, bộ rễ sẽ lộ ra. Dùng dao bén cắt bỏ các rễ thừa, rễ cám mọc lòa xòa; các rễ này không làm bộ rễ đẹp mà hút hết phần dinh dưỡng cho cây sứ, không cung cấp dinh dưỡng cho rễ chính phát triển. Bôi vôi hoặc sơn vào các vết cắt để tránh nhiễm trùng. Ta cũng bỏ đi 1 số lá để tránh mất nước cho cây. Đem cây sứ vào chỗ râm mát, treo lên để cây vẫn sống. Cây sứ sau khi treo 1 thời gian, bộ rễ sẽ mềm ra do bốc hơi nước. Lúc này ta có thể dễ dàng uốn, nắn, sửa theo ý thích.

Khi đem trồng cây sứ lại, ta dùng tay kéo các rễ của cây sứ phủ kín mặt chậu trồng như vậy bộ rễ sau này sẽ rất đẹp. Do rễ sứ đã mềm nên mới dễ dùng tay uốn, sửa được. Dùng gạch, nhựa để chèn và cố định bộ rễ rồi phủ đất lên.

Cây sứ có thể có nhiều dáng thế, giống như các loài cây bonsai khác như: Trực, nghiêm, nằm hoặc dáng thác đổ (hay còn được gọi là sứ té. Bạn có thể xem về cách tạo dáng sứ té TẠI ĐÂY),… và những dáng cây thế này do bộ rễ cây quyết định chứ không phải do cành, tán lá. Cành, tán lá sứ luôn phát triển và rất khó “ép” theo một dáng thế nào vì cành sứ phát triển rất nhanh, mạnh. Dù bộ rễ sứ nằm ở thế nào thì cành sứ luôn phát triển thẳng đứng, khó có thể uốn cành sứ cong, chúi xuống,… theo kiểu cây bonsai.

-          Thế trực: Hầu hết các cây sứ đều mọc thẳng đứng và cây sứ thường được giữ tư thế này.

-          Thế nghiêng: Dùng vật dụng để chống, đỡ cho cây sứ khỏi nghiêng ngả khi bộ rễ chưa vững.

-          Thế nằm: Để bộ rễ sứ nằm sát đất, thường trồng bằng chậu cạn.

-          Thế thác đổ: Chậu trồng cao, thuôn. Cây sứ cần được cột, giằng cho vững.

2. Tạo dáng bộ tán – lá cây sứ

Một trong những cách giúp cây sứ có bộ tán đẹp là thường xuyên cắt cành để cây sứ đâm nhiều nhánh, ra nhiều hoa. Cây sứ nói chung nếu bộ tán-lá phủ kín sẽ đẹp hơn cây sứ cành loe hoe, trơ trụi.

Đối với các cây sứ quá nhiều cành, nhánh, quá sum xuê cũng cần được “dọn” bớt để cành, nhánh, lá trong hài hòa hơn. Các cành sứ mọc mất trật tự, phá đi thế cây đang đẹp cũng cần được cắt bỏ đi. Các cây sứ lớn, cành nhánh nhiều khi uốn, sửa để có dáng đẹp, sẽ rất tiếc nếu ta cắt bỏ hết vì cây sẽ mất rất lâu sau mới ra đủ cành, nhánh mới do đó, cây sứ được các nghệ nhận dùng kẽm (kẽm có quấn chỉ chuyên dùng cho uốn cây bonsai) để uốn. Cành sứ được uốn, tạo dáng hài hòa trông đẹp mắt. Hầu hết các cây sứ lớn được uốn theo dạng hình cây thông. Cành sứ vốn mềm, dẻo nên không khó uốn.

Nguồn: 2006, Kỹ thuật trồng và kinh doanh sứ Thái, Hoàng Đức Khương.

 

Tin tức nổi bật