Cây sứ cảnh
Không Chỉ Là Cây Cảnh

Kinh nghiệm nhận biết một số vấn đề thường gặp ở cây sứ và cách xử lý hiệu quả

8/15/2019 10:27:00 AM  

Cây sứ cần phải thường xuyên được theo dõi, quan sát tình trạng sinh trưởng của cây để có thể xử lý kịp thời. Dưới đây là một số vấn đề thường gặp trong quá trình chăm sóc cây sứ mà bạn có thể dễ dàng phát hiện và xử lý.

I. LÁ CÂY SỨ BỊ VÀNG

kinh-nghiem-nhan-biet-mot-so-van-de-thuong-gap-o-cay-su-va-cach-xu-ly-hieu-qua.jpg

Khi thấy lá cây sứ bị vàng úa thì phải lấy tay sờ vào cuống lá đè nhẹ cho lá vàng rơi xuống. Khi ấy, sẽ có 2 trường hợp có thể xảy ra:

a. Nếu lấy tay sờ nhẹ vào cuống lá vàng, mà lá đó rơi rụng xuống ngay là vô hại. Đó chỉ là dấu hiệu của lá đã già nên đến kỳ phải thay lá mà thôi.

b. Ngược lại, nếu lấy tay sờ mà lá vàng không rơi rụng, đè thêm lần nữa mà vẫn không rơi thì cây sứ đó nhất định có vấn đề.

- Do để khô quá cây sứ thiếu nước, vàng lá và thân bị teo lại.

- Do thừa nước. Có thể 1 rễ nào đó đã bị mềm nhũn rồi. Khi ấy phải lấy tay sờ bóp từng rễ một chung quanh gốc sứ để tìm: bắt đầu ngay bên dưới nhánh mang chiếc lá vàng đó, rồi lần tới phần rễ gần nhất của nhánh đó.

Nếu không có, phải tiếp tục sờ bóp các rễ ở dưới đất có thể sâu dưới đáy chậu, nhất định trong trường hợp này cây sứ đã bị thối nhũn rễ rồi.

Trường hợp chỉ mới có 1 rễ nhỏ bị bệnh thì cắt bỏ rồi bôi vôi hoặc sơn vào viết cắt cho lành sẹo.

Nếu cây sứ đã bệnh nặng, thối cả rễ to dưới đáy chậu thì phải nhổ cả cây sứ lên, cắt bỏ hết chỗ nào bị mềm, kể cả chỗ nào trong ruột còn 1 đốm đen nhỏ cũng phải cắt bỏ hết. Rồi bôi vôi hay sơn vào vết cắt, xong phải đem treo ngược ở chỗ nào râm mát, chờ đến khi nào thật lành sẹo mới đem đi trồng lại được.

Có người xử lý gốc sứ thối mềm nhũn bằng cách dùng máy bơm nước thật mạnh, thổi bay đi hết phần nào thối mềm nhũn, đến khi sạch hết mới thôi. Cây sứ cũng có thể hết bệnh và sống bình thường trở lại.

Có người phát hiện cây sứ bệnh, nhổ lên, cũng phun nước rửa cho sạch hết đất cát. Rồi ngâm vào dung dịch vôi khoảng nửa tiếng mới trồng trở lại. Dung dịch pha như sau: Pha 1kg vôi với 10 lít nước, lấy nước trong pham thêm 2 phần nước nữa là có thể ngâm sát trùng được. Ngâm nước vôi cũng là 1 phương pháp sát trùng hữu hiệu đối với cây sứ.

Trong một lần Caysucanh.com chia sẻ trên Fanapage HOA SỨ VIỆT của mình về việc xử lý rễ cây sứ bị thối, úng, một bạn với tài khoản Facebook là Khuyen Tran đã chia sẻ “tôi thấy mọi người hay cắt bỏ phần củ rễ (kể cả phần chưa thối) làm mất đi sự hài hòa của bộ rễ, riêng tôi thì dùng muỗng chỉ cần nạo sạch phần thối đen rồi xử lý chỗ nạo như Ad là được”. Đây rõ ràng là 1 cách xử lý rất hay, có ưu điểm khi dùng muỗng là ít phạm vào những chỗ chưa bị thúi. Do đó qua bài viết này caysucanh.com cũng xin được chia sẻ ý kiến của bạn đến với đông đảo bạn đọc yêu hoa sứ.

II. HOA SỨ BỊ THỐI RỮA

Sau khi nở, hoa sẽ già và rụng đi. Nhưng do cấu tạo hình ống nên khi tưới nước, nước sẽ lọt vào họng hoa và khó thoát ra ngoài. Như thế hoa sẽ bị úng nước và thối rữa vì dư nước. Mà khi hoa bị thối rữa thì nó sẽ lan nhanh ra đọt hoa gây thối đọt.

Để tránh thối hoa, nên tưới cây vào sáng sớm để nếu lượng nước có đọng lại thì vẫn sẽ có thời gian bay đi khi trời nắng lên. Không tưới cây vào cuối buổi chiều hoặc buổi tối. Tốt nhất khi tưới thì nên tránh tưới vào đọt và hoa.

kinh-nghiem-nhan-biet-mot-so-van-de-thuong-gap-o-cay-su-va-cach-xu-ly-hieu-qua-1.png

III. SÂU BỆNH HẠI TRÊN CÂY SỨ

Một trong những vấn đề rất thường gặp ở cây sứ đó là sự xuất hiện của sâu bệnh hại. Đa số rệp nhện đỏ và sâu xanh là 2 “thủ phạm” quen mặt nhất trên cây sứ. Do vậy trong phạm vi bài viết này caysucanh.com sẽ chỉ trình bày tập trung vào 2 vấn đề trên. Ở một bài viết khác, có thể chúng tôi sẽ phân tích rộng hơn về vấn đề sâu bệnh hại trên cây sứ.

1. Rệp, nhện đỏ trên cây sứ

Bằng mắt thường, rất khó để chúng ta nhận ra rệp, nhện đỏ trên cây sứ. Chỉ khi nào chúng ta thấy trên lá sứ có nhiều chấm đỏ, tập trung thành từng mảng thì mới biết đó là rệp đỏ. Vậy làm sao để phòng và diệt trừ bệnh rệp, nhện đỏ trên cây sứ?

Rệp, nhện đỏ là loài có thân và lông tơ màu đỏ, rất nhỏ. Loài này thường tấn công trên các giống sứ có nhiều lông mịn (những loại sứ khác vẫn có khả năng bị tấn công, nhưng thường nhất là loại sứ có lông mịn). Nếu không xịt, phun thuốc kịp thời sẽ làm lây lan sang các cây khác.

Rệp, nhện đỏ chích hút nhựa lá non rồi dần làm lá khô, rụng hết cả đọt lá. Cây bị nhiễm rệp thì bộ lá không phát triển do đó cây không hít thở nên cũng kém lớn.

Để phòng và diệt trừ rệp, nhện đỏ trên cây sứ chúng ta cần:

Các giống sứ có lá nhiều lông nên được trồng tách riêng so với các giống khác. Để khi phát hiện rệp tấn công thì cũng dễ xử lí và tránh lây lan.

Ngoài xịt, phun thuốc ra nếu khi thấy cây sứ bị nhiễm rệp quá nặng thì ta nên diệt hết các mầm rệp bằng việc cắt các cành sứ bị nhiễm rệp và để cây sứ mọc cành mới khỏe mạnh hơn.

Thuốc trị: Supracide, Trebon, Bi 58, Kelthane, Viphensa 50ND, D-C Ttron Plus,…

2. Sâu xanh trên cây sứ

Nguyên nhân chủ yếu là do bướm đêm. Bướm tới đẻ trứng lên đọt non, cứ mỗi đọt chúng để lại đôi ba mẫu trứng, mang chất nhựa dính chặt vào lá non.

Đặc điểm của loài sâu xanh ăn sứ: Sâu xanh rất sợ ánh sáng, ban ngày chúng ẩn mình dưới mặt lá. Độ từ chiều đến ban đêm chúng sẽ hoạt động và tấn công mạnh mẽ lên cây sứ, nhất là thời điểm sứ ra đọt non và hoa mới.

Với số lượng ít thì có thể bắt bằng tay. Hoặc:

Sử dụng các chế phẩm phòng trừ sâu như Karate 2.5EC, ViBT, chế phẩm nấm xanh, Brightin 1.8EC,…

Nên phun thuốc vào buổi chiều

Phun cả 2 mặt của lá cây sứ

Trong trường hợp người trồng ít có thời gian theo dõi sức khỏe của cây thì có thể phun phòng với thuốc Karate 2.5EC. Phun phòng định kì 10 – 15 ngày/lần.

kinh-nghiem-nhan-biet-mot-so-van-de-thuong-gap-o-cay-su-va-cach-xu-ly-hieu-qua-2.jpg

Lại nói về việc bài viết được chia sẻ trên Fanpage Hoa Sứ Việt, lần này chúng tôi được bạn Âu Dương Phong chia sẻ 1 thông tin rất hữu ích về việc sâu xanh đẻ trứng. Theo kinh nghiệm của bạn mỗi tháng bướm về đẻ trứng 2 lần. Vào đêm 12, 13, 14, 27, 28, 29 âm lịch hàng tháng. Trứng seẽ nở sau 2 3 đêm. Theo lịch trên, chúng ta có thể xịt sâu định kỳ vào đêm 14 và 29 âm lịch. Như vậy vừa có thể ngừa và trị nếu có sâu đã nở.

Một lần nữa, caysucanh.com rất cảm ơn các bạn yêu hoa sứ đã tham gia Fanpage HOA SỨ VIỆT và đã có những đóng góp, chia sẻ ý kiến rất hữu ích giúp caysucanh.com có thể hoàn thiện bài viết của mình tốt hơn. Nhân đây, caysucanh.com cũng rất mong bạn có thể tham gia Fanpage HOA SỨ VIỆT – cộng đồng những người yêu sứ để chúng ta có thể cùng nhau bàn luận nhiều hơn về loài cây thú vị này. Kiến thức và kinh nghiệm mà caysucanh.com có được chỉ là hạt cát giữa đại dương, do đó một lòng rất mong được cùng thảo luận, lắng nghe ý kiến từ các bạn.

Xin cảm ơn.

 

Tin tức nổi bật