Cây sứ cảnh
Không Chỉ Là Cây Cảnh

Chia sẻ về chất trồng cây sứ và cách bón phân cho cây sứ

8/21/2019 1:46:00 PM  

Cây sứ, nếu được nuôi trồng tốt thì xem như không gặp phải vấn đề lớn về bệnh tật. Đó là lý do nhiều người rất quan tâm đến vấn đề chất trồng và phân bón cho cây sứ. Chất trồng phù hợp, bón phân hợp lý sẽ giúp cây sứ khỏe mạnh, hạn chế tối đa việc bệnh tật.

Cây sứ là loài cây mọng nước, xuất phát từ các khu vực nhiệt đới nhưng thật ra cây sứ mà chúng ta đang trồng không phải là loài thuần chất sa mạc.

Cây sứ sa mạc chỉ sống được ở vùng sa mạc cằn cỗi, còn sứ mà chúng ta đang nói đến ở đây là loài đã được thuần hóa và đã mất đi rất nhiều các đặc tính sa mạc. Hơn nữa, các loài sứ hoặc giống sứ mới được lai tạo hiện nay ít nhiều đã bị “địa phương đó”. Có lẽ chính lý do này đã khiến đề tài về chất trồng sứ chưa bao giờ ngừng tranh cãi giữa các địa phương, những người trồng sứ.

Nhưng dù có khác nhau như thế nào đi nữa thì loài cây dai sức và bền bỉ này chỉ chết nếu:

-          Môi trường nuôi trồng vừa ướt vừa lạnh

-          Bị tưới nước quá nhiều

-          Chất trồng sứ luôn kết dính, kém thoát nước. Và đây cũng chính là vấn đề mà chúng ta sẽ cùng trao đổi qua bài viết này.

chia-se-ve-chat-trong-cay-su-va-cach-bon-phan-cho-cay-su.jpg

VẤN ĐỀ VỀ CHẤT TRỒNG CÂY SỨ

Tuy có nhiều quan điểm khác nhau về chất trồng cây Sứ, nhưng thật ra Sứ là giống kiểng không kén đất trồng. Có điều đất trồng cần đảm bảo phải tơi xốp, thoát nước tốt và đủ dinh dưỡng là được.

Có lẽ tùy mỗi khu vực có điều kiện khí hậu, nguồn chất trồng khác nhau nên đất trồng Sứ của các vùng cũng khác nhau. Một số loại chất trồng phổ biến ở nước ta hiện nay xin được liệt kê ra như sau:

Khu vực TP.HCM và các vùng lân cận: sử dụng tro trấu, trấu sống hoặc vỏ đậu phộng, phân bò và xơ dừa. Đất trồng từ nguồn nguyên liệu này cũng rất tốt, nhưng thường cây Sứ sẽ mọc nhiều rễ cám.

Vùng miền Trung như Nha Trang, Bình Định, Phú Yên: đa số sử dụng đất pha cát, cây Sứ cho bộ củ rất đẹp, da mốc xám. Tuy nhiên lại đòi hỏi thời gian nuôi trồng lâu vì loại đất này kém dinh dưỡng.

Khu vực miền Tây Nam Bộ: sử dụng rơm, phân chuồng, đất phù sa. Cây Sứ phát triển rất tốt nhưng cây cũng dễ thối và úng.

Nhìn chung thì các nguyên liệu như trấu sống, tro trấu, vỏ đậu phộng, xơ dừa, đất đen,… ở nước ta rất dễ tìm. Mỗi nhà vườn, mỗi người trồng sứ qua quá trình trồng sứ lâu năm có kinh nghiệm sẽ tự gia giảm công thức cho hỗn hợp này. Có thể sử dụng hỗn hợp sau:

-          30% tro trấu (trấu lớn)

-          25% các chất: vỏ đậu phộng, vỏ trấu (trấu sống), xơ dừa (đã rửa hết chất chát bằng nước),….

-          25% phân hữu cơ: phân bò, phân heo, phân trùn, phân gà thật nhuyễn

-          10% các chất bổ sung khác theo bí quyết của từng nhà vườn

Hỗn hợp trên chỉ mang tính tham khảo và khái quát nhất theo thống kê chung. Thường khi trồng sứ đại trà thì đất trồng luôn được trộn trước và ủ khoảng vài tuần rồi mới lấy sử dụng vì đất trồng chưa ủ dễ làm “xót” cây sứ khi mang đi trồng ngay.

Ngoài công thức trên, Fanpage Hoa Sứ Việt còn nhận được nhiều dòng chia sẻ từ các bạn đọc như sau:

-          Trấu hun 5 + mụn dừa 3 + trấu sống 1 + phân bò 1

-          Đất pha cát + vỏ đậu

-          Trấu vàng 5 + sơ dừa 5

-          Cát phù sa + phân bò hoai mục + sơ dừa + trấu sống

Riêng với Hoa Sứ Việt, chúng tôi thấy cây Sứ có vẻ chịu loại đất được pha nhiều tro trấu, trấu tươi, xơ dừa và 1 ít phân bò.

BÓN PHÂN NHƯ THẾ NÀO CHO CÂY SỨ?

Hầu hết các loại phân vô cơ để xịt, phun cho cây trồng đều lấy 3 nguyên tố chính là N (Đạm), P (Lân), K (Kali) để định lượng. Theo đó, chúng ta có thể áp dụng quy tắc đơn giản sau:

- NPK 30-10-10: Tức trong hỗn hợp có 30% đạm, 10% Lân và 10% Kali. Công thức này áp dụng cho cây con, cây mới nảy mầm hoặc cây mới tách, chiết và cần phát triển mạnh, lớn lên về kích cỡ.

- NPK 10-30-10: Công thức này áp dụng cho cây đã trưởng thành và cần được kích thích để ra hoa sau khi đã đủ bộ cứng cáp (khoảng từ 6 tháng đến 1 năm).

- NPK 10-10-30: Sau khi đâm nụ, chuẩn bị trổ hoa hoặc đã ra hoa thì có thể phun theo công thức này để hoa lâu tàn và cũng là để giữ sức cho cây sau mỗi đợt ra hoa.

chia-se-ve-chat-trong-cay-su-va-cach-bon-phan-cho-cay-su-1.jpg

Tuy nhiên, cây sứ không cần phun thuốc dinh dưỡng vẫn có thể phát triển, thậm chí là phát triển mạnh. Nếu cây sứ trồng tự nhiên và được bón phân hữu cơ tự nhiên (phân chuồng: phân bò, heo, gà,…; phân hữu cơ từ rác, lá cây mục được ủ,…) sẽ tốt hơn so với phân vô cơ. Ta không nên lạm dụng phân vô cơ để thúc ép cây sứ. Được biết, người Đài Loan hay sử dụng phân gà viên để bón trên bề mặt chất trồng và cho kết quả rất tốt. Một hay 2 muỗng phân gà có thể cung cấp dinh dưỡng cho cây sứ trong thời gian dài. Theo cách này, chúng ta cũng nên thử cho cây sứ của mình ?!

Chỉ bón phân khi nào cần tiếp sức cho cây (thường là sau mỗi đợt hoa, cây sẽ bị “đuối sức”. Hoặc áp dụng công thức NPK 20-20-20 trung hòa các yếu tố nên được áp dụng để cây sứ phát triển đồng đều, hài hòa giữa các chức năng: phát triển, ra hoa, hồi phục.

Các nhà vườn trên thế giới thường quảng cáo cây sứ của họ luôn được trồng trong điều kiện tự nhiên, và không có sự can thiệp của các chất, phân bón hóa học (thực hư ra sao thì chúng ta cũng không biết được). Đây dường như được xem là thước đo cho sự phát triển khỏe mạnh của cây Sứ. Nhìn chung, cái gì tự nhiên thì cũng tốt.

Bài viết trên đây được tổng hợp từ nhiều nguồn và kinh nghiệm của caysucanh.com. Với mục đích chia sẽ đến các bạn đọc nên rất mong nhận được ý kiến phản hồi từ các bạn thông qua Fanpage chính thức của chúng tôi tại HOA SỨ VIỆT.

Khi chia sẽ bài viết xin ghi nguồn: caysucanh.com, xin cảm ơn.

Xem thêm:

Kinh nghiệm nhận biết một số vấn đề thường gặp ở cây sứ và cách xử lý hiệu quả

 

Tin tức nổi bật