Cây sứ cảnh
Không Chỉ Là Cây Cảnh

Cách thay chậu và xử lý cây sứ sau khi thay chậu

6/21/2019 8:46:00 AM  

Cây sứ phản ứng tốt với việc thay chậu mỗi 6 tháng, 1 hoặc 2 năm/lần. Việc thay chậu cho cây sứ sẽ giúp cây phát triển sung sức hơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp sau khi thay chậu thì cây lại kém phát triển và có khi còn bị hư bộ rễ. Vậy làm sao để tránh những điều trên? Bài chia sẻ cách thay chậu và chọn chậu cho cây sứ dưới đây sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề trên.

Một số lưu ý trước khi thay chậu cho cây sứ

- Khi thấy rễ con lộ trên bề mặt chậu, đồng thời có những rễ lớn ló ra ở lỗ thoát nước thì nên thay chậu cho cây.

- Mùa xuân là thời điểm sang chậu tốt nhất, cây hấp thụ tốt nhất khí trời và thời điểm ấm áp và không mưa. Thời điểm này cây sung sức nhất, năng lượng tích trữ cao nhất nên cây khỏe và dễ hồi phục.

- Chọn kích thước chậu vừa đủ to hơn cây sứ cần thay. Bởi chậu nhỏ quá sẽ không đủ cung cấp đất dinh dưỡng cần thiết cho cây, còn chậu to quá thì lại ảnh hưởng đến hình dáng bộ rễ sau này.

Di chuyển cây khỏi chậu cũ

Nếu cây sứ đang trồng bằng:

  • Bịch nylon: đơn giản, dùng dao lam rạch chung quanh bịch ở phần dưới bịch, lấy đi lớp nylon dưới đáy và đặt qua chậu mới.
  • Chậu xi măng rẻ tiền: Đối với cây sứ có bộ rễ ăn hết phần đất trồng trong chậu và các rễ cám bám quanh thành chậu: chỉ cần để khô cây sứ không tưới nước mấy ngày là lớp đất trồng khô ráo, có thể lắc nhẹ cây sứ và thật dễ dàng rút toàn bộ cây sứ lên, không thấy đất đâu hết và ta sẽ thấy 1 nùi rễ rất gọn gàng có rất ít đất trồng và đưa qua chậu mới.

-          Đối với cây khó nhổ: thường để giữ bộ rễ không bị tổn thương, nhà vườn sẵn sàng đập chậu.

-          Đối với cây sứ đặc biệt lớn và được trồng trong chậu lớn thì việc thay chậu cho cây là tương đối khó, vì bầu đất rất nặng. Khi ấy nhà vườn sẵn sàng hi sinh chậu và dùng máy cắt để cắt đáy chậu. Sau khi cắt xong, vài người cùng nhấc chậu lên thì lớp đáy chậu cũ đã rời ra và bê nguyên phần này đặt qua chậu mới rồi đập bỏ từng lớp chậu cũ phía trên.

  • Chậu đắt tiền: Đối với cây sứ khó nhổ và chậu đắt tiền, ta buộc phải vừa giữ chậu vừa giữ rễ thì Cây Sứ Cảnh gợi ý như sau: trước đó vài giờ ta nên tưới nước thật đẫm cho đất vốn đã đóng chắc trong chậu được mềm ra. Sau đó dùng chiếc bay nhỏ moi móc dần lớp đất đóng chung quanh thành chậu ra ngoài, như vậy khối đất giữa chậu (có bộ rễ) sẽ dễ dàng lung lay và tróc ra khỏi chậu.

Xử lý cây sứ sau khi bứng ra khỏi chậu

Nếu có cái rễ nào bị đứt hay bị giập nát, nên cắt bỏ và bôi vôi lên vết cắt để sát trùng giúp vết cắt mau lành.

Đất cũ nên bỏ đi. Còn nếu đất còn mới, dùng được thì trộn thêm phân rồi sử dụng tiếp.

Chậu cũ nên đem cọ rửa, phơi nắng vài ngày rồi mang cất, chờ dịp dùng đến.

Khi sang qua chậu mới, 1 là giữ nguyên bầu đất để cây không bị mất nước (vì không đụng chạm đến bộ rễ). Cứ đặt nguyên bầu đất vào chậu mới, sửa cho cây ngay ngắn rồi chèn thêm đất vào cho đầy là được.

Ngược lại, nếu cần sửa cành tạo tán lại cho cây thì chưa vội trồng. Nên nhẹ tay gỡ hết đất đai dính chắc vào bộ rễ, sau đó rửa sạch rồi đem cả cây vào nhà tìm chỗ thoáng mát treo ngược gốc lên độ 2 tuần, không cần săn sóc cũng không tưới nước để cành nhánh và bộ rễ mềm dịu để có thể dễ dàng uốn, sửa cây.

Cây mới trồng vào chậu nên chống đỡ cho thân cành mọc ngay ngắn, đúng theo chiều mà mình đã uốn sửa, sau đó đặt vào chỗ thoáng mát trong vài ba tuần. Chừng nào cây tươi tỉnh, bén rễ trở lại mới đem dần ra nắng. Thời gian này vẫn tưới cho đất đủ ẩm.

Cách chọn chậu sứ để thay

Cây sứ được mệnh danh là hoa hồng sa mạc vì nó có nguồn gốc từ vùng sa mạc và phù hợp với thời tiết nắng nóng. Cây sứ rất kỵ úng nước do đó khi chọn chậu trồng ta cần lưu ý:

- Chọn chậu có lỗ thoát nước lớn để chậu không bị ứ nước. Một chậu sứ có 2 – 3 lỗ thoát nước là tốt.

- Cây ưa nóng do đó để cây phát triển tốt ta nên chọn các loại chậu có màu đậm và có bề mặt không nhẵn bóng để nhận nhiệt độ từ ánh sáng mặt trời. Ví dụ chậu xi măng, chậu đất nung hay chậu nhựa màu đen hoặc đỏ. Chậu men sứ màu trắng không phù hợp vì không giúp cây sứ “ấm gốc”.

- Củ và rễ sứ phát triển khá nhanh do đó ta cần chọn các loại chậu có miệng rộng, tránh chọn chậu bầu, miệng nhỏ vì khi củ sứ phát triển nhanh ta không thể rút củ lên để thay chậu được.

- Không nên chọn chậu quá to so với cây vì nếu chọn chậu to, đất nhiều, nhiệt độ từ thành chậu không truyền được vào gốc sứ không giúp cây sứ “ấm củ”.

Các bước sang chậu cho cây sứ

Trước hết cần kiểm tra các lỗ thoát nước của chậu mới. Nếu lỗ nhỏ thì đục thêm cho lớn ra để chậu dễ thoát nước hơn.

Lót gạch bụn, chậu bể đập vụn (lót lỗ thoát nước kĩ để rễ con sau này không mọc lan ra và bít lỗ thoát nước, gây úng cây sứ).

Rải đều 1 lớp trấu sống: chúng sẽ giúp chậu thoát nước tốt, thông thoáng và giúp cây không bị các loại khí độc do các chất trong đất trồng phân hủy gây hại.

Cho vào 1 lớp tro trấu không có phân chuồng. Vì phân chuồng ở tầng thấp khi phân hủy hoặc đóng cục có tính giữ nước cao, làm úng sứ.

Cho hỗn hợp chất trồng sứ vào chậu, rải thêm 1 lớp Ridomil diệt khuẩn.

Đặt cây sứ đã bứng vào chậu và đặt cho cây thật ngay ngắn. Cuối cùng phủ thêm 1 lớp hỗn hợp chất trồng, lớp phân chuồng để giữ cây cố định và cung cấp dưỡng chất cho cây.

Bài viết nhằm mục đích chia sẻ, mọi sao chép vui lòng ghi lại nguồn: caysucanh.com

Xem thêm:

Kỹ thuật thụ phấn cây Sứ và những lưu ý khi tiến hành lai tạo

Hướng dẫn cách chiết cành cây sứ đạt tỉ lệ thành công cao

Tin tức nổi bật